Phát biểu của Đảng Việt Tân về Terror In Little Sai Gon

Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print
Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print

Vào lúc 13 giờ ngày 14/11/2015 vừa qua, đảng Việt Tân đảng tổ chức hai buổi sinh hoạt tiếp xúc với báo chí, đồng hương tại Nam California và Houston.

Sau đây là bài Phát Biểu Của ông Đỗ Hoàng Điềm, chủ tịch đảng Việt Tân trong buổi tiếp xúc với báo chí và đồng hương tại Nam California 14/11/2015.

BBT – Web VT


Kính thưa Quý vị lãnh đạo tinh thần các tôn giáo,
Kính thưa Ông Chủ tịch Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Nam California,
Kính thưa Quý vị đại diện các hội đoàn và cơ quan truyền thông,
Kính thưa Quý vị quan khách,

Trước khi bắt đầu phần trình bày của tôi, chúng tôi xin tất cả chúng ta hãy cầu nguyện cho những nạn nhân bị thảm sát qua cuộc khủng bố mới xảy ra tại thủ đô Paris, cho sự bình an của mọi người và đặc biệt cho cộng đồng người Việt tại Pháp.

Kính thưa Quý vị,

Trước hết, chúng tôi xin cảm ơn Quý vị đã nhận lời mời đến tham dự buổi gặp gỡ ngày hôm nay. Như tất cả Quý vị đã biết, vào ngày 3 tháng 11 vừa qua, chương trình Frontline của hệ thống truyền hình PBS đã chiếu phim phóng sự “Terror in Little Saigon”. Phim này được thực hiện bởi một nhóm ký giả của tổ chức ProPublica, với hai nhận vật chủ chốt là đạo diễn Richard Rowley và phóng viên Adam Clay Thompson, gọi tên tắt là AC. Ngoài ra, phim này còn liệt kê danh tánh hai người Việt đã cộng tác với họ là Tony Nguyễn và Jimmy Tòng.

Nội dung của phim có thể tóm gọn là nhằm cáo buộc tổ chức Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam đã đứng đằng sau cái chết của một vài ký giả người Việt trong thập niên 1980. Để giúp tạo ấn tượng Mặt Trận là thủ phạm, họ đã vẽ lên hình ảnh tập thể người Việt tỵ nạn Cộng sản là khối người cực đoan, bạo động, và đang muốn tiếp nối một cuộc chiến để lấy lại những quyền lợi và vị trí xã hội đã đánh mất.

Từ tên gọi của phim cho đến nhiều đoạn trong phim đã xúc phạm đến chính nghĩa đấu tranh của tập thể người Việt tỵ nạn, đến hình ảnh của các cựu quân nhân Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa và của cộng đồng người Việt. Điều này đã được rất nhiều người nêu lên và đã có nhiều nỗ lực phản đối trực tiếp đến với nhóm làm phim và đài truyền hình PBS. Ngoài ra, chúng tôi được biết ban đại diện cộng đồng và các đoàn thể ở nhiều nơi đang thảo luận để có phản ứng thích đáng. Chúng tôi chỉ xin kêu gọi mọi người hãy tiếp tay với các ban đại diện cộng đồng và các đoàn thể để bảo vệ danh dự của tập thể người Việt tỵ nạn Cộng sản.

Vì phim đã đích danh ám chỉ Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam nên chúng tôi đã buộc phải lên tiếng trong tuần lễ vừa qua. Ngay lập tức vào ngày 4 tháng 11, Đảng Việt Tân đã gửi thư phản đối đến ban giám đốc của đài PBS, chương trình Frontline và tổ chức ProPublica.

Kính thưa Quý vị,

Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam đã ngưng hoạt động từ nhiều năm qua nhưng tại sao ngày hôm nay Đảng Việt Tân lại phải lên tiếng? Lý do đơn giản vì Phó Đề Đốc Hoàng Cơ Minh, vị Chủ Tịch của Mặt Trận cũng là một trong những người sáng lập ra Đảng Việt Tân; kế đến trong hàng ngũ đảng viên Việt Tân có nhiều người đã từng là đoàn viên của Mặt Trận và hiện nay vẫn còn đang tiếp nối công cuộc đấu tranh cho tự do, dân chủ và nhân quyền tại Việt Nam; và sau cùng chúng tôi nhận thấy có nhu cầu phải bảo vệ danh dự của nhiều đoàn viên Mặt Trận đã xả thân và hy sinh vì đất nước đồng thời phải làm sáng tỏ những điều không đúng sự thật đã được trình bày trong phim.

Vì vậy qua buổi gặp gỡ cộng đồng ngày hôm nay, chúng tôi xin nói lên quan điểm của Đảng Việt Tân được tóm gọn vào 5 điểm chính yếu sau đây.

Thứ nhất, chúng tôi rất chia sẻ với những đau đớn và mất mát mà thân nhân của những người bị sát hại đã phải gánh chịu trong bao năm qua. Chúng tôi không chấp nhận việc dùng bất kỳ hình thức bạo lực nào để giải quyết sự khác biệt trong chính kiến, quan niệm hay chủ trương. Bởi lẽ đó, chúng tôi mong muốn công lý sẽ được đem lại cho những người đã bị sát hại và cho gia đình của họ. Chúng tôi mong rằng những ai có dữ kiện chính xác về những vụ án này hãy mạnh dạn trình với các cơ quan chức trách. Đấy chính là một hành động để vừa giúp đem lại công lý, vừa tẩy xoá sự tô vẽ của nhóm ký giả ProPublica là có sự bao che hay đe dọa nào đó khiến cho các nhân chứng sợ hãi không dám lên tiếng.

Thứ hai, chúng tôi khẳng định tổ chức Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam không hề chủ trương và cũng không liên quan đến việc sát hại các ký giả người Việt như AC Thompson và Richard Rowley đã nêu lên trong phim. Nhiều cơ quan cảnh sát với nhiều kinh nghiệm đã bỏ rất nhiều năm để điều tra và cho đến nay chưa có bất kỳ một người nào của Mặt Trận đã bị truy tố. Ngay cơ quan cảnh sát liên bang FBI đã đóng hồ sơ sau 15 năm điều tra với kết luận không đủ bằng chứng để buộc tội một ai cả. Hoa Kỳ là một nước có luật pháp nghiêm minh với những cơ quan điều tra rất chuyên nghiệp, và họ đã kết luận là không có gì cụ thể để cáo buộc một ai đằng sau những vụ án mạng này.

Thứ ba, ký giả AC Thompson cáo buộc Mặt Trận đã có một bộ phận chuyên việc ám sát gọi là K9 và chính bộ phận này đứng đằng sau các vụ sát hại. Chúng tôi bác bỏ lời cáo buộc phi lý này của AC Thompson. Sự thật K9 chỉ là đơn vị tổ chức bình thường, gọi tắt của Khu Bộ 9 như các Khu Bộ K1 Hoa Kỳ, K2 Canada, K3 Âu Châu v.v. thuộc Tổng Vụ Hải Ngoại của Mặt Trận, và dùng để gom tụ những người ở rải rác các nơi xa hoặc có địa vị cao trong quá khứ nên không tiện sinh hoạt tại một cơ sở địa phương. Đến cuối năm 1984, ông Phạm Văn Liễu, nguyên Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Hải Ngoại, và những người trong nhóm của ông ta ly khai ra khỏi Mặt Trận và quay lại tấn công tổ chức. Kể từ đó thì K9 được thêu dệt để trở thành một cái gì ghê gớm qua những bài viết của ông Cao Thế Dung, một người trong phe của ông Liễu. Trong thập niên 1990, một vài đoàn viên Mặt Trận đã kiện ông Cao Thế Dung ra tòa về tội phỉ báng. Trong lúc đối chất, ông Dung đã chối quanh và cuối cùng thú nhận những lời cáo buộc Mặt Trận đứng đằng sau các vụ án mạng chỉ là những suy diễn của ông ta chứ không hề dựa trên bất cứ một bằng chứng cụ thể nào cả.

Thứ tư, nếu gọi là một điều bất ngờ của phim “Terror in Little Saigon” chính là sự tiết lộ kế hoạch của một cảnh sát điều tra tại San Jose, dùng thuế khóa làm lý cớ để tìm hiểu Mặt Trận có liên quan gì hay không đến các vụ án mạng. Để nhắc lại vào năm 1991, công tố viên quận Santa Clara đã truy tố một vài đoàn viên Mặt Trận với tội danh trốn thuế một số tiền chưa đến 50 ngàn đô la. Thời đó, trong khung cảnh có một số người sau khi ly khai Mặt Trận gay gắt qui chụp – dù không đưa bằng chứng cụ thể – rằng Mặt Trận nào là lường gạt đồng bào, nào là làm gì có chiến khu, nào là ông Hoàng Cơ Minh và “đồng bọn” đang tiêu xài phung phí ở bên Nhật v.v. Có thể nói dư luận cộng đồng đã hoang mang và nhìn Mặt Trận với cặp mắt rất xấu. Cho nên khi vụ thuế khóa đang tiến hành, Mặt Trận liền đã bị xem là “có tội” bởi một số dư luận dù bồi thẩm đoàn hay quan tòa chưa có kết luận.

Sự thật là năm 1995, sau khi công tố viên không có đủ chứng cớ để lập án trạng, họ đã để nội vụ bị hủy bỏ và chính quan tòa đã quyết định bãi bỏ toàn bộ nội vụ trước khi xét xử. Mặc dù quan tòa đã cho công tố viên thêm một năm sau đó để tái lập hồ sơ nếu muốn, nhưng rốt cuộc bên công tố vẫn chọn không làm gì thêm và nội vụ đã được đóng lại luôn từ 20 năm qua.

Ngày hôm nay, cuộn phim này đã ít ra nói lên hai điều: (1) mặc dù đã phải dùng thủ thuật thuế khóa nhưng rốt cuộc nhóm điều tra cũng chẳng tìm được bằng chứng gì để cáo buộc Mặt Trận liên quan đến các vụ án mạng, và (2) ngay cả trong vấn đề tài chánh, công tố viên cũng không tìm được chứng cớ gì để chứng minh đã có sự gian lận hay biển thủ tiền bạc cả. Tuy nhiên, ký giả AC đã trình bày sai lạc lý do vụ thuế bị bãi bỏ để tạo ấn tượng đã có sự bao che từ cấp chính quyền cao hơn hay vì công tố viên đã làm việc tắc trách.

Và thứ năm, lý do tại sao mà ông Hoàng Cơ Định và ông Nguyễn Kim đã từ chối không trả lời phỏng vấn của AC Thompson? Trước hết là qua những thăm dò về cá nhân AC Thompson và Richard Rowley đồng thời dựa trên những gì được biết về cung cách làm việc của họ, chúng tôi đánh giá những người này đã có sẵn định kiến trong đầu rồi. Chúng tôi lượng định họ không thật lòng muốn tìm hiểu sự thật mà chỉ muốn tìm kiếm, ráp nối những gì phù hợp với kết luận họ đã có sẵn. Và thứ hai, quan trọng hơn nữa là sự tham dự của nhân vật Tony Nguyễn trong phim này. Chúng tôi đã tìm hiểu về nhân vật này và thấy rằng Tony Nguyễn có những quan hệ mật thiết với chế độ độc tài Cộng sản Việt Nam. Một vài năm về trước, chính Tony Nguyễn đã thực hiện một phim với những cáo buộc tương tự đối với Mặt Trận. Sau đó, anh ta cho biết đã nhận được sự tài trợ từ nhiều nguồn tại Việt Nam và của tổ chức Veterans For Peace, một tổ chức thân Hà Nội của một nhóm người Mỹ. Với hai lý do đó, ông Hoàng Cơ Định và ông Nguyễn Kim đã từ chối không tham dự vì không tin tưởng vào thiện chí cũng như chủ đích của AC Thompson, Richard Rowley và Tony Nguyễn.

Kính thưa Quý vị,

Mặc dù Mặt Trận đã không còn hiện hữu nữa từ nhiều năm qua nhưng hai thập niên 1980 và 1990 đã để lại cho chúng tôi nhiều bài học kinh nghiệm. Mặt Trận được khởi đi từ một tập hợp rất phong phú và đa dạng, qui tụ đủ mọi thành phần từ sinh viên đến người nội trợ, từ cựu quân nhân đến chuyên viên kỹ thuật. Với tất cả lòng nhiệt thành cho lý tưởng xây dựng một đất nước Việt Nam có tự do và dân chủ, biết bao nhiêu người đã ào ạt tham gia vào Mặt Trận, đã tình nguyện về vùng biên giới Thái Lào tìm đường về nước để cùng đồng bào đấu tranh. Trong gần hai thập niên hoạt động, đã có hàng trăm người yêu nước trong hàng ngũ đoàn viên Mặt Trận và đảng viên Việt Tân đã hy sinh mạng sống của chính mình cho đất nước. Trong số đó có Phó Đề Đốc Hoàng Cơ Minh. Ngày hôm nay, vẫn còn đây đó những lời phỉ báng Mặt Trận lừa bịp đồng bào, “kháng chiến giả, kháng chiến ma” khiến tôi nhớ đến một bài viết trong đó có câu “không ai lại đi kháng chiến giả để mà chết thật” như Phó Đề Đốc Hoàng Cơ Minh và các đoàn viên Mật Trận đã làm.

Tuy nhiên, chúng tôi luôn cố gắng dẹp qua tự ái, lắng nghe những chỉ trích để tìm xem đã làm gì sai để cải sửa. Đặc biệt trong những năm đầu của thập niên 1980, trong giai đoạn phôi thai của Mặt Trận, với sự phát triển ồ ạt, thiếu gạn lọc kỹ lưỡng, thiếu học tập hướng dẫn nội bộ đã đưa đến những vấp váp không thể tránh khỏi, điển hình là cách cư xử thiếu hòa nhã đối với nhiều người, nhiều tổ chức khác. Điều không may lớn nhất cho Mặt Trận là đã không giải quyết được những mâu thuẫn nội bộ và hậu quả là những chụp mũ, xuyên tạc đến từ chính những người một thời là “chiến hữu” của nhau. Và ngày hôm nay chúng tôi vẫn phải gánh chịu hậu quả của những xuyên tạc và những vấp váp đó.

Thưa Quý vị,

Năm nay đánh dấu 40 năm chế độ độc tài Cộng sản đã ngự trị trên đất nước của chúng ta, và cũng là 40 năm đấu tranh không ngừng nghỉ cho mục tiêu đem lại tự do, dân chủ và nhân quyền cho 90 triệu đồng bào tại Việt Nam. Ngày hôm nay, Đảng Việt Tân vẫn là một tập hợp đa dạng của nhiều thành phần từ trong nước ra đến hải ngoại, đang sát cánh cùng quý vị và toàn dân đấu tranh cho một tương lai tốt đẹp hơn cho đất nước. Chúng tôi tồn tại và tiếp tục phát triển nhờ vào sự hỗ trợ của cộng đồng và rất nhiều thân hữu ở trong cũng như ngoài nước. Nhân cơ hội này, một lần nữa chúng tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành nhất đến Quý vị.

Sau hơn 30 năm đấu tranh, Đảng Việt Tân đang được tiếp nối bởi một thế hệ mới đã trải qua và học hỏi từ những kinh nghiệm hay cũng như dở của quá khứ. Những người đảng viên Việt Tân chẳng phải là ai xa lạ. Chúng tôi cũng là những thanh niên đang tham gia chống Trung Cộng xâm chiếm Biển Đông, là những nông dân đang tranh đấu chống bất công, là những thành viên đang cố gắng góp sức xây dựng một cộng đồng hải ngoại vững mạnh.

Bản thân tôi đã bước vào Mặt Trận trong những ngày tháng đầu năm 1982 và ngày hôm nay tiếp tục đấu tranh trong hàng ngũ đảng viên Việt Tân. Đi trước tôi là những thế hệ đàn anh đã dám từ bỏ cuộc sống ấm êm để mưu đồ hạnh phúc cho dân tộc. Đi cùng với tôi là những người chiến hữu, là những tổ chức bạn đang chung lưng đấu tranh chống độc tài. Và điều đáng mừng đi sau chúng tôi là những thế hệ trẻ tham gia đấu tranh vì không chấp nhận bất công.

Tất cả chúng ta tham gia đấu tranh không phải để lấy lại quyền lợi hay địa vị xã hội. Chúng ta đấu tranh vì mong muốn thấy một xã hội Việt Nam bình đẳng và lành mạnh, một đất nước Việt Nam tiến bộ và hùng cường. Xin hãy gìn giữ lý tưởng chung này để làm chất keo cho sự đoàn kết giữa tất cả chúng ta cho đến ngày thành công.

Xin cảm ơn sự lắng nghe của quý vị.

Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print

BÀI MỚI

Ông Tô Lâm (trái) và ông Vương Đình Huệ. Ảnh: Thanh Niên

Về cuộc tranh giành quyền lực ở Ba Đình

Tin đồn mới nhất cho biết ông Huệ vẫn kiên cường chống trả, chưa chịu buông giáo đầu hàng dù tay chân thân tín đã bị ông Lâm tóm gọn. Có thể ông Huệ còn trông mong vào sự cứu viện của hoàng đế Tập Cận Bình bên Tàu. Nhưng trận đấu chỉ giằng co thêm một vài ngày nữa thôi, vì theo quy định của đảng CSVN, ông Huệ khó mà tránh được tội liên đới “trách nhiệm của người đứng đầu” khi các đàn em sa vào vòng lao lý, chưa kể ông Lâm còn nhiều độc chiêu sẽ tiếp tục tung ra để buộc ông Huệ phải cởi giáp quy hàng.

Lính hải quân Campuchia tại căn cứ hải quân Ream ở Preah Sihanouk trong một chuyến thăm do chính phủ tổ chức hôm 26/7/2019. Ảnh minh họa: AFP

Quân cảng Ream và Kênh đào Funan của Campuchia: nỗi lo lớn đối với Việt Nam

Hôm 18/4/2024, Chương trình Sáng kiến minh bạch hàng hải Châu Á (AMTI) của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) công bố thông tin về hai tàu hải quân Trung Quốc đã đậu ở căn cứ hải quân Ream của Campuchia trong hơn bốn tháng…

Từ đó, AMTI đặt câu hỏi liệu sự hiện diện thường trực của hải quân Trung Quốc tại quân cảng Ream đã được thiết lập trên thực tế hay mới chỉ là “lời đồn.”

Theo các chuyên gia, sự kết hợp giữa quân cảng Ream và kênh đào Phù Nam [Funan Techo] có thể tạo mối đe dọa an ninh truyền thống (quân sự) và an ninh phi truyền thống (môi trường, kinh tế, chính trị) đối với Việt Nam.

HRW đưa ra lời kêu gọi trước dịp diễn ra tiến trình Rà soát Định kỳ Phổ quát (UPR) chu kỳ IV đối với Việt Nam ngày 7/5/2024. Nguồn: HRW

HRW kêu gọi LHQ gây áp lực để Việt Nam cải thiện nhân quyền

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền hôm 22/4 hối thúc các quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc nên tận dụng đợt rà soát hồ sơ nhân quyền sắp tới của Việt Nam tại Hội đồng Nhân quyền LHQ để gây áp lực buộc Hà Nội chấm dứt đàn áp những người bất đồng chính kiến và các quyền cơ bản.