Một năm sau Phán Quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực: Biển Đông vẫn là điểm nóng chiến lược

Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print
Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print

Ngày 12 Tháng 7, 2016, Toà Trọng Tài Thường Trực (Permanent Court of Arbitration) tại The Hague Hòa Lan (case 2013-19) đã ra phán quyết bác bỏ Đường Lưỡi Bò 9 điểm do Trung Quốc tự vạch ra, nhằm xác nhận chủ quyền của họ một cách bất hợp pháp, chiếm trên 80% diện tích Biển Đông. Tòa đồng thời xác nhận chủ quyền của Phi trên bãi Hoàng Nham (Scarborough) và trong hải phận vùng biển Đông Phi theo Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển UNCLOS 1982 (vùng biển thuộc chủ quyền (12 hải lý) và vùng biển thuộc đặc quyền khai thác kinh tế EEZ 200 hải lý).

Đây là một phán quyết có giá trị quan trọng về mặt công pháp quốc tế. Phán quyết này là một thắng lợi cho Phi Luật Tân, quốc gia đứng nguyên đơn kiện, nhưng cũng đồng thời rất thuận lợi cho Việt Nam, vì Phi và Việt Nam là 2 quốc gia tại tuyến đầu, trực tiếp liên hệ đến các tranh chấp lâu dài về chủ quyền với Trung Quốc. Đồng thời, phán quyết này cũng gián tiếp có lợi cho Nam Dương, Mã Lai, Singapore, Brunei trong những tranh chấp ở Biển Đông.

Lãnh đạo Trung Quốc đã lên tiếng phủ nhận phán quyết này, đồng thời ra lệnh cho hệ thống truyền thông nhà nước, các bồi bút trong giới truyền thông Phương Tây cố tình xem nhẹ sự thất bại nạng nề này. Bắc Kinh cho tuyên truyền bóp méo sự thật, dù đã bỏ ra hàng triệu Mỹ Kim để mua chuộc, ảnh hưởng lên phán quyết, nhưng không mấy kết quả.

JPEG - 146.4 kb
Trái: Toà Trọng Tài Thường Trực PCA. Phải: Người dân Philippines ăn mừng trước phán quyết của PCA ngày 12 tháng 7, 2016.

Từ tháng 7, 2016 đến nay, nhiều biến chuyển quan trọng ảnh hưởng đến các tương quan chính trị, ngoại giao, kinh tế đã xảy ra giữa các quốc gia trong vùng Biển Đông và các quốc gia có liên hệ chiến lược đến vùng biển này.

Tại Hoa Kỳ, ông Trump trở thành vị Tổng Thống thứ 45, với một chính sách mới chưa được định khung rõ nét cho vùng Đông Á và Thái Bình Dương, nhưng có khuynh hướng đối đầu qua các động thái quân sự.

Tại Phi, ông Duterte với những tuyên bố dao to búa lớn, được dân Phi tín nhiệm vào trách vụ Tổng Thống ngày 30 Tháng 6, 2016, đang tiến hành một chính sách ngoại giao thực dụng (flip flop), đi gần lại với Trung Quốc với 2 chuyến công du Trung Quốc vào tháng 10, 2016 và tháng 5, 2017, nhưng vẫn giữ liên hệ chiến lược với Hoa Kỳ.

Trong lúc tại Việt Nam, lãnh đạo CSVN bị Trung Quốc (TQ) khống chế hoàn toàn, vẫn tìm cách đàn áp, dẹp tan các cuộc biểu tình bảo vệ chủ quyền quốc gia của người dân Việt Nam (từ các cuộc biểu tình chống TQ tại Sài Gòn, Hà Nội vào năm 2010; chống dàn khoan Hải Dương 981, năm 2014; chống Formosa, 2016).

Phân tích những tin mới nhất cho thấy tình hình Biển Đông vẫn sôi động liên tục và là điểm nóng chiến lược trên thế giới, ngang ngửa về tầm quan trọng so với các cuộc chiến tranh chống khủng bố tại Syria, Irak, A Phú Hãn.

Lý do là tại Biển Đông và Đông Hải, Hoàng Hải (East Sea và Yellow Sea, 2 vùng biển giữa Đài Loan, Nhật Bản, Nam Hàn), các cuộc tranh chấp về chủ quyền có xác xuất dẫn đến các đụng độ quân sự giữa 2 cường quốc đứng đầu thế giới về khả năng quân sự và kinh tế. Hoa Kỳ và Trung Quốc, cũng như giữa Nhật và TQ và các cường quốc khác ngoài vùng như Ấn Độ, Úc, với hậu quả không lường trước được và ảnh hưởng đến toàn thế giới.

Noí chung, tuy Trung Quốc vẫn âm thầm tiến hành việc xây dựng các căn cứ quân sự: phi trường với phi đạo dài cho phi cơ vận tải quân sự, các dàn ra-đa, phóng hỏa tiễn chống phi cơ, các quân cảng nhân tạo làm trạm tiếp liệu cho tầu chiến, tổ chức các chuyến du lịch, cho di dân đến sinh sống trên một số đảo nhân tạo. Nhưng nói chung nhịp độ đã chậm lại hay khựng lại tại một số vị trí tại Trường Sa, biển Đông Phi Luật Tân, vùng biển quanh Natuna).

JPEG - 28.9 kb
Các chiến hạm thuộc Hạm Đội USS George Washington, Hải quân Ấn Độ, Lực Lượng Tự Vệ Đường Biển Nhật Bản dàn trận trong cuộc thao dượt Malabar 2014 (hình của Hải Quân Hoa Kỳ).

Hiện nay Trung Quốc không còn giữ thế chủ động tại Biển Đông và đang rơi vào thế bị động và đang phải đối phó với một chiến dịch tằm ăn dâu ngược, do chính các quốc gia đang tranh chấp với Bắc Kinh tiến hành, với sự hỗ trợ của Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ấn Độ, Úc.

Trung Quốc

Giấc mơ của lãnh đạo Bắc Kinh là vượt qua Hoa Kỳ về mặt kinh tế, kỹ thuật, quân sự để trở thành cường quốc đứng đầu thế giới, vào năm 2040. Một trong hướng bành trướng là giải tỏa sự chật hẹp, giới hạn về không gian sinh tồn trong vùng cận hải với ASEAN (Biển Đông), Nhật Bản, Nam Hàn (Đông Hải và Hoàng Hải), mở đường ra đại dương về phía Đông về Thái Bình Dương và phía Tây về Ân Độ Dương. Và đương nhiên Biển Đông là mục tiêu tương đối dễ chiếm hơn với sự đồng lõa của thành phần tay sai lãnh đạo CSVN và sự phân hóa và yếu kém về khả năng quân sự các quốc gia ASEAN ven biển.

Qua việc ngang nhiên xâm chiến bãi Hoàng Nham (2012) thuộc chủ quyền Phi vào thời TT Obama (lúc đó Hoa Kỳ không có một phản ứng chống đối nào) và âm thầm tiến chiếm thêm một số vị trí chiến lược, qua việc xây các đảo nhân tạo ngay giữa vùng quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, lãnh đạo Bắc Kinh, nhất là Tập Cận Bình đã biết không thể lùi bước vì rất sợ bị mất mặt và ảnh hưởng đến quyền lực trong nội bộ Đảng.

Vào đầu năm 2017, sau khi gặp một đối thủ bất nhất và không lường trước đây với TT Hoa Kỳ Trump, Tập Cận Bình đang rơi vào thế khó khăn về vấn đề Bắc Hàn và bị động về Biển Đông, do một phần muốn duy trì sự tồn tại của Bắc Hàn, mặt khác không muốn tạo lý do chính đáng để Hoa Kỳ cầm đầu một liên minh đánh phủ đầu, tiêu diệt tiềm năng quân sự của Bắc Hàn và cũng như thi hành một chính sách đối đầu cứng rắn hơn tại Biển Đông.

Trung Quốc đã mất hơn 10 năm để chuẩn bị thực lực hải quân và âm mưu xâm chiếm bãi Hoàng Nham. Và hơn 20 năm từ năm 1988, sau khi chiếm trọn quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, với sự đồng lõa dâng bán chủ quyền của lãnh đạo CSVN, Trung Quốc mới lên tiếng tự xác nhận chủ quyền qua đường Lưỡi Bò 9 Điểm trong những năm đầu của thế kỷ 21, và dựa vào đó để âm thầm xâm chiếm Biển Đông, bằng đường lối mềm, câu dụ qua quyền lợi đầu tư, áp lực về giao thương kinh tế, đe dọa bằng quân sự,…

Âm mưu lấn chiếm tiệm tiến loại tằm ăn dâu của TQ hiện đang gặp nhiều khó khăn ngăn cản sự thành công của chiến lược Đại Hán tại Biển Đông, kể từ 2013:

1. Vấn đề Biển Đông đã được quốc tế hóa một cách rộng rãi, trở thành một đề tài nóng thường trực có ảnh hưởng đến an ninh thế giới, với sự quan tâm của các cường quốc ngoài vùng như Ấn Độ, Úc, Nhật, Hoa Kỳ, Liên Âu.

2. Trung Cộng đã thất bại không hoàn toàn phân hóa được các quốc gia ASEAN ngoại trừ Cam Bốt, bị thất bại nặng trong vụ kiện ra trước Tòa PCA (2013-2016), lúng túng trước đòn vừa hợp tác, vừa đối đầu của TT Phi Duterte, bị động trong các Hội Nghị Thượng Đỉnh, khi bị vạch mặt tố cáo có những hành động xâm lược.

3. Phản ứng liên hoàn và đối đầu của Nhật, Úc, Ấn Độ và nhất là không tiên liệu được phản ứng của Hoa Kỳ, đối thủ hàng đầu, và bị tố cáo đồng lõa với Bắc Hàn trong cuộc khủng hoảng về khả năng nguyên tử của Bắc Hàn.

Những khó khăn nan giải của TQ này cũng đi đôi với những khó khăn liên hệ đến những biện pháp bảo vệ chủ quyền về kinh tế của các quốc gia liên hệ. Khối lượng đầu tư vào TQ bị khựng lại, nhiều hãng xưởng Hoa Kỳ, Nhật Bản đã lợi dụng dịp này, rút ra khỏi TQ và chuyển sang các quốc gia khác, vì không chịu nổi cạnh tranh bất chính và chính sách lấy cắp kỹ thuật vi phạm bản quyền có hệ thống. Các mặt hàng tiêu thụ phổ thông của TQ ngày nay gặp sự cạnh tranh gay gắt các quốc gia khác như ASEAN, Ấn Độ và sự tẩy chay từ một số quần chúng.

Trong lúc sự thay đổi cấu trúc của nền kinh tế TQ từ sản xuất sang dịch vụ, kỹ thuật tiền tiến, không đạt mức hiệu quả mong muốn vì cấu trúc luật lệ và sự tuân thủ các luật lệ về phẩm chất, về mức an toàn cho người tiêu thụ, ảnh hưởng lên môi sinh, bảo vệ sự cạnh tranh trong sáng, hầu như không có. Và muốn thay đổi triệt để thì sẽ ảnh hưởng nặng nề đến quyền lợi của bộ phận lãnh đạo và guồng máy đảng CSTQ. Mức tăng trưởng kinh tế của TQ đã giảm từ 10% xuống còn 6,7%, và sẽ còn suy giảm nữa dù lãnh đạo CSTQ đã cho bơm vào guồng máy kinh tế hàng trăm Tỷ MK. Nếu trừ ra phần phát triển liên hệ đến phần đầu tư vào hạ tầng cấu trúc, địa ốc, mức phát triển thật của TQ sẽ ở mức 3%, tương đương với mức 2,6% của Hoa Kỳ.


Phản ứng các quốc gia trong vùng Biển Đông

Phi Luật Tân

Tổng Thống Phi Duterte đã đi một đòn ngoạn mục, một mặt sẵn sàng tạo quan hệ hữu nghị với TQ, tạm thời hòa hoãn về các yêu sách đòi chủ quyền để đổi lấy đầu tư, trong lúc liên hệ quân sự với Hoa Kỳ vẫn tiếp tục mật thiết không có chỉ dấu cụ thể thay đổi nào, ngoài những tuyên bố mạnh bạo sẽ cắt đứt liên lạc với Hoa Kỳ, của Duterte năm 2016.

Sau khi thay đổi chính sách, từ đối đầu biến thành hợp tác, Phi Luật Tân tuyên bố tiếp tục khai thác năng lượng (công ty PXP Energy Corp) dưới biển Đông trong vùng đảo Reed Bank, Palawan, thuộc chủ quyền Phi. Phi cũng đề nghị TQ cho ngư phủ Phi trở lại đánh cá trong vùng Bãi Hoàng Nham.

Chính sách ngoại giao flip flop đã khiến Bắc Kinh phải lên tiếng đe dọa là sẽ dùng sức mạnh quân sự đàn áp nếu Phi tiến hành những việc này. Vào tháng 5 vừa qua, tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã nói trước công chúng rằng Tập Cận Bình đe dọa “có chiến tranh” nếu Philippines trở lại khai thác dầu và khoan thăm dò ở bãi Reed Bank.

Trong Hội Nghị ASEAN cấp Bộ Trưởng từ 6 đến 8 tháng 8 vừa qua tại Manila, Phi đã thể hiện tinh thần «hợp tác» bằng cách không thúc đẩy việc tố cáo quân sự hóa Biển Đông và dùng phương tiện quân sự để trấn áp các quốc gia khác trong Tuyên Bố chung. Nhất là Phi hoàn toàn không đề cập tới Phán quyết 2016 của Tòa PCA.

JPEG - 15 kb
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Wang Yi và Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Manuel Teehankee tại Hội nghị ASEAN – Trung Quốc hôm 6 tháng 8, 2017. Ảnh: AFP

Đối với Quy Tắc Ứng Xử (Code of Conduct), dù đã được ASEAN đề cập tới cách đây 15 năm (2002), TQ đã tìm mọi cách kéo dài thời gian qua việc đòi hỏi thương thuyết riêng với từng quốc gia để dễ trấn áp. Ngày 18 tháng 5 vừa qua, TQ và ASEAN đã đạt đến thoả thuận một khung sườn cho Quy Tắc Ứng Xử tại Qúy Châu. Lần này TQ bị ép phải chấp nhận thương thuyết chung để thảo ra Quy Tắc Ứng Xử, nhưng không hề đưa ra một thời khoá biểu rõ rệt nào.

Trong lúc đó, Phi tiếp tục tập trận với hải quân Nhật, Hoa Kỳ, nhận tầu tuần duyên và đồng ý cho lực lượng đặc biệt Hoa Kỳ tham chiến để truy lùng và tiêu diệt các nhóm hồi giáo cực đoan tại Đảo Mindanao, phía Nam Phi.

Tổng thống Phi Duterte bị áp lực của chính giới và dư luận Phi, muốn Phi lấy những hành động cứng rắn hơn để bảo vệ chủ quyền. Hiện hải quân Phi không có một chiếc tầu ngầm nào cho đến 2020, 4 khu trục hạm nhẹ loại cũ và khoảng mấy chục tàu tuần duyên nhỏ.

Cho đến lúc mua được 3 chiếc khu trục hạm loại Oliver Hazard Perry và 1 do Hoa Kỳ chuyển nhượng, lúc đó hải quân Phi mới có khả năng đương đầu với hải quân TQ.

Việt Nam

Qua nhiều động thái có tính chất thách thức, đối đầu với TQ, có nhiều chỉ dấu cho thấy ít nhất có một khuynh hướng đáng kể trong guồng máy đảng, không đồng ý với chủ trương Không Phản Ứng, Nhượng Bộ của Bộ Chính Trị trước các hành vi xâm lược của TQ như lấn chiếm biển đảo, sát hại ngư dân, xâm phạm vùng đặc quyền khai thác kinh tế của Việt Nam.

Lần đầu tiên, hải quân Hoa Kỳ tập trận thật với hải quân CSVN trong 5 ngày ngoài khơi Đa Nẵng, gần Hoàng Sa (song song với các đàm phán về việc thuê quân cảng Cam Ranh cho tầu chiến Hoa Kỳ hoạt động trên Biển Đông). Trước đây chỉ là các hoạt động cứu trợ (relief), rà mìn. Vụ này xảy ra ngay trước chuyến đi Việt Nam bị hủy bỏ của Thượng Tướng TQ Phạm Trường Long, Phó Chủ Tịch Quân Ủy Trung Ương TQ vào ngày 18 tháng 6.

Trong tương lai với sự hiện diện các trạm kiểm thính tiếng động dưới nước phát ra bởi tầu ngầm tại Cam Ranh và Subic Bay, Hoa Kỳ có khả năng theo dõi hoạt động các tầu ngầm loại diesel và nguyên tử TQ, xuất phát từ đảo Hải Nam, dưới toàn Biển Đông.

CSVN chấp thuận cho 2 công ty Ấn Độ và Tây Ban Nha thăm dò đầu hỏa trong vùng Trường Sa. Vào tháng1 năm 2017, Exxon Mobil (Hoa Kỳ) đã thăm dò dầu khí tại mỏ Cá Voi Xanh (ngoài khơi Quảng Nam). Ngày 6 tháng 7, Việt Nam vừa triển hạn thêm hai năm giấy phép cho tập đoàn dầu hỏa Ấn Độ ONGC Videsh quyền thăm dò và khai thác lô 128, một phần của lô này nằm bên trong đường 9 đoạn mà TQ vạch ra để đòi chủ quyền tại Biển Đông.

TQ chưa có động thái quân sự nhằm ngăn chặn cuộc thăm dò của công ty Ấn Độ, trong lúc đã lên tiếng đe dọa khiến lãnh đạo CVN phải ra lệnh công ty Repsol (Tây Ban Nha) ngưng thăm dò khai thác dầu khí tại bãi Tư Chính (dự án Cá Rồng Đỏ, lô 136-03).

JPEG - 97.1 kb
Tàu khoan Deepsea Metro I. Ảnh: Reuters

TQ đã đem giàn khoan HYSY-760 cùng 40 tàu hải giám đến khu vực Bãi Tư Chính (Vanguard Bank) để khống chế lực lượng hải quân CSVN với một quân số đông gấp bội, trong lúc đang chuẩn bị cho tầu Hải Dương 981 xuất hiện ngoài khơi VN trở lại.

Bãi Tư Chính nằm ở phía Tây Nam trong quần đảo Trường Sa và cách Vũng Tàu khoảng 200 hải lý về phía Đông Nam. Bộ Ngoại Giao CSVN hoàn toàn im lặng không có lời lên tiếng phản đối nào. Việc 2 khế ước được CSVN ký kết với 2 công ty ngoại quốc trong lúc TQ không ngừng tuyên bố xác nhận chủ quyền trên các vùng khai thác cho thấy có khuynh hướng thách thức các hành vi xâm lược của TQ.

Những nỗ lực đa dạng bảo vệ chủ quyền của người dân Việt Nam trong và ngoài nước, trong gần 20 năm qua, bền bỉ và liên tục qua mạng Internet, trên đường phố đã giúp tố cáo, phơi bày những âm mưu tội đồ bán nước đó, chặn đứng các âm mưu kế tiếp của TQ và tay sai lãnh đạo CSVN, đồng thời làm thức tỉnh một phần không nhỏ những đảng viên đảng CSVN có lương tri, quan tâm đến vận mệnh đất nước.

Về mặt hải quân, CSVN đã mua 6 tầu ngầm Kilo của Nga, chiếc đầu tiên được giao từ 2013, chiếc cuối cùng đã được giao cho Việt Nam trong năm 2016. Đây là loại tầu ngầm diesel rất êm, phát ra tiếng động rất nhỏ, cũng là loại TQ đang xử dụng.

JPEG - 19.1 kb
Tàu ngầm Kilo

Nếu được trang bị thêm loại hỏa tiễn thiểm du bắn từ dưới nước, lực lượng tầu ngầm Kilo sẽ là phương tiện gián chỉ hữu hiệu (deterrent) để ngăn không cho các tầu chiến TQ tiến vào hải phận và vùng EEZ thuộc chủ quyền Việt Nam. Ngoài ra sẽ có thêm 6 khu trục hạm Nga Gepard loại nhẹ 2100 tấn, dùng để tuần duyên nhưng có khả năng bắn chìm tầu TQ với loại hỏa tiễn chống chiến hạm KH-35E, 2 chiếc đầu tiên đã được giao cho hải quân CSVN.

Về không quân, CSVN muốn trang bị phi cơ tuần dương P-3C do Nhật chế tạo (loại P3 Orion của Hoa Kỳ dùng để xuất cảng), và loại chiến đấu cơ F-16 EDA được Hoa Kỳ viện trợ cho Nam Dương. Cũng như muốn mua loại phi cơ tuần dương không người lái UAV của Hoa Kỳ để tuần thám thường trực trên Biển Đông.

Tóm lại, với các tầu ngầm Kilo và khu trục hạm Gepard, hỏa tiễn thiềm du siêu âm chống chiến hạm Brahmos của Ân Độ, CSVN có khả năng gây tổn thất nặng cho hải quân TQ, nếu đụng độ xảy ra và lệnh bắn trả đưọc ban ra.


Nam Dương, Mã Lai, Singapore

Ngày 14 tháng 7, Nam Dương đổi tên vùng biển phía Bắc Đảo Natuna thuộc chủ quyền Nam Dương thành Biển Bắc Natuna. Nam Dương đã bắt giữ ngư dân Trung Quốc và làm nổ ngư thuyền TQ vi phạm hải phận thuộc chủ quyền. Mỗi lần chỉ gặp phản đối lấy lệ của TQ, vì không có khả năng gây hấn thêm với Nam Dương.

Cả 3 nước đều đã nỗ lực tân trang hải quân từ hơn 10 năm nay với việc mua nhiều tầu ngầm, chiến hạm tối tân của Pháp, Đức, Anh, Nga. Singapore cho đồn trú các chiến hạm loại LCS của đệ Thất Hạm Đội Hoa Kỳ để tuần tiễu trên Biển Đông, eo biển Malacca và phiá Đông Ấn Độ Dương.

Dù không có trực tiếp tranh chấp với TQ về Biển Đông, nhưng 3 quốc gia này đều chống đối việc quân sự hóa Biển Đông qua việc xây dựng các đảo nhân tạo, cũng như mong muốn Quy Tắc Ứng Xử được hoàn tất sớm để bắt buộc mỗi quốc gia ven Biển Đông phải tuân thủ để duy trì hòa bình.

TQ luôn tìm cách mua chuộc sự hợp tác của Mã Lai, Singapore, vốn là các quốc gia phát triển cao của ASEAN với một cộng đồng gốc Trung Hoa đông đảo, nhưng cho đến nay thất bại, không chiêu dụ đứng về phiá TQ được. Hải quân Singapore được trang bị tối tân hơn hải quân Mã Lai (6 tầu ngầm của Thụy Điển và Đức, cùng 6 khu trực hạm tối tân của Pháp, so với 2 tầu ngầm tối tân Scorpene và 2 khu trục hạm loại cũ của Anh). Hải quân Nam Dương gồm 4 tầu ngầm, 6 khu trục hạm, thuộc loại cũ. Cả 3 cộng lại cũng chỉ bằng 1/5 hải quân TQ về số chiến hạm và cũ kỹ hơn.

Phản ứng các cường quốc ngoài vùng (Hoa Kỳ, Nhật bản, Ấn Độ, Úc)

Hoa Kỳ chính thức bác bỏ căn bản pháp lý của Đường Lưỡi Bò 9 điểm vào tháng 2, 2014.

Dù bận tâm với Bắc Hàn và vùng Trung Đông, các hành động duy trì sự hải và không lưu tư do (FONOP) Freedom of Navigation Operations trên biển và trên không của Hoa Kỳ, có tính chất thách thức, đã gia tăng so với thời TT Obama.

JPEG - 31.6 kb
Máy bay ném bom B1, B2 và B-52. Ảnh: Yotube

Vì dụ gần đây 3 lần chiến đấu cơ chiến lược B1-B và B-52, xuất phát từ căn cứ Guam, đã bay trên Hoàng Sa và Trường Sa, 3 lần các khu trục hạm loại Arleigh Burke và Littoral Combat Ship đã đi vào vùng hải phận 12 hải lý tại Hoàng Sa và Trường Sa. Chưa kể các Nhóm Mẫu Hạm Tấn Công (Carrier Strike Group) đã đi vào vùng mà TQ tự cho thuộc chủ quyền ít nhất 3 lần, trong vòng 6 tháng từ đầu 1/2017 đến nay.

Những hoạt động này được quyết định bởi chính Bộ Tư Lệnh Thái Bình Dương dưới sự chỉ huy của Đô Đốc Harry Harris vốn có lập trường cứng rắn đối đầu với TQ.

Hoa Kỳ đã cho bố trí trên địa bàn Tây Thái Bình Dương những võ khí tối tân nhất, khu trục hạm loại tàng hình Zumwalt 14000 tấn với tầm pháo rất xa (150 cây số, và với súng railgun trong tương lai 200-400 cây số), các phi đoàn F35, F22 tại Nhật, loại drone tấn công mới nhất có khả năng phá sóng từ và điện trường, hệ thống chống hỏa tiễn Aegis -SM3 đặt trên khu trục hạm và tuần dương hạm, THAAD trên đất liền tại Nam Hàn.

JPEG - 79.1 kb
Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Jim Mattis và Bộ trưởng Quốc phòng CSVN Ngô Xuân Lịch. Ảnh: Reuters

Nhân chuyến viếng thăm Hoa Kỳ vào ngày 8 tháng 8 của Bộ Trưởng Quốc Phòng CSVN Ngô Xuân Lịch, ông Jim Mattis, Bộ Trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ thông báo sẽ cho một mẫu hạm ghé thăm Việt Nam trong năm 2018, nghiên cứu đề nghị mua một số phương tiện viễn thám để khám phá và theo dõi hoạt động của hải quân TQ (PC3 Orion, tuần dương không người lái UAV), việc thuê quân cảng Cam Ranh, dự trù các tập trận chung.

Nói chung, hợp tác quân sự ngày càng mật thiết giữa quân đội CSVN và quân đội Hoa Kỳ, trước sự khó chịu và nghi ngờ của TQ.

Về phía Nhật, chính quyền Abe càng ngày càng hiện diện thường xuyên hơn về quân sự tại Biển Đông, trong lúc các hoạt động nghênh chặn phi cơ chiến đấu TQ, ngăn cản tầu chiến TQ trong vùng quần đảo Điếu Ngư và quanh biển Nhật Bản ngày càng gia tăng và mức độ nguy hiểm về đụng độ.

Nhật cho tầu chiến đi tuần tiểu hỗn hợp, tập trận với hải quân Phi CSVN, Hoa Kỳ (13/6 tầu chiến Nhật ghé Đà Nẵng). Với hơn 450.000 tấn, 154 chiến hạm, tầu ngầm các loại, 340 phi cơ và 50.000 thủy thủ đoàn, hải quân Nhật hiện đứng thứ nhì tại Á Châu, chỉ sau TQ, nhưng trội hơn về mặt kỹ thuật tiền tiến và khả năng tác chiến qua việc huấn luyện và tập trận thường xuyên với hải quân Hoa Kỳ.

Hải quân Nhật ở vòng đai chung quanh các đảo Nhật Bản và nới rộng xa hơn đến Biển Đông, có khả năng đương đầu ngang ngửa với hải quân TQ, đông hơn gấp ba về số lượng, và vượt trội nếu có thêm sự hỗ trợ về tình báo viễn thám, tiếp liệu và võ khí tiền tiến của Hoa Kỳ.

Trong Hội Nghị ASEAN cấp Bộ Trưởng tại Manila vừa qua, Hoa Kỳ, Úc, Nhật đã ra một thông báo chung rất cứng rắn, xác nhận Biển Đông không phải là vùng biển thuộc chủ quyền TQ, lên án mạnh mẽ TQ về các hành động quân sự hóa Biển Đông và dùng võ lực để uy hiếp các quốc gia lân bang, sau một tuyên bố chung tương tự của Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Nhật. Đồng thời yêu cầu Quy Tắc Ứng Xử phải được xem là tính chất bắt buộc phải thi hành và có giá trị pháp lý, như Phán Quyết 2016 của Tòa PCA.

JPEG - 139.7 kb
Thủ tướng CSVN Nguyễn Xuân Phúc đón tiếp Thủ tướng Ấn Độ Modi tại Hà Nội vào đầu tháng 9, 2016. Ảnh: Trường Sơn

Ấn Độ đã trở thành một đối tác chiến lược của Việt Nam, nhằm đối phó với TQ, sau khi trở thành một đối tác chiến lược về quân sự với Hoa Kỳ. Ấn Độ đã thiết lập quan hệ mật thiết với Hoa Kỳ từ 2004, sau khi đặt mua các vận tải cơ C-130 Hercule và C-117 GlobeMaster.

Vào năm 2015, Hoa Kỳ và Ấn Độ đã ký kết một hiệp ước chiến lược cho phép quân đội mỗi bên quyền xử dụng căn cứ của phía bên kia để tiếp liệu và bảo trì quân cụ.

Với một lực lượng hải quân gồm 140 tầu và 67.000 thủy thủ đoàn (1 mẫu hạm (40 phi cơ), 1 tầu đổ bộ và vận tải, 8 tầu chuyên chở chiến xa, 11 khu trục hạm, 14 khu trục hạm loại nhẹ, 1 tầu ngầm nguyên tử tấn công, 1 tầu ngầm nguyên tử phóng hỏa tiễn (SLBM), 13 tầu ngầm diesel, 23 tầu tuần duyên), hải quân Ấn Độ hiện đang tân trang nhanh chóng về khả năng viễn thám với 8 phi cơ tuần dương mới nhất P8 Poseidon, mua của Hoa Kỳ, xây thêm hai mẫu hạm với sự trợ giúp kỹ thuật của Hoa Kỳ, mua các hỏa tiễn siêu âm chống chiến hạm của Nga.

Hiện Ân Độ đang huấn luyện cho thủy thủ đoàn Việt Nam lái tầu ngầm Kilo.

Kết Luận

Khác với sự loan truyền của truyền thông Tây Phương thiên tả, chính TQ hiện nay đang ở thế bị động và bị thách thức trên nhiều phương diện: 1) công pháp quốc tế và diễn đàn quốc tế; 2) khai thác tài nguyên ngay tại các vùng TQ tự cho thuộc chủ quyền; 3) quân sự với sự hình thành của liên minh nhằm đối đầu lại TQ.

Từ nhiều năm qua, cán cân quân sự trên Biển Đông, nghiêng hẳn về phía TQ, do sự yếu kém của Mã Lai, Singapore, Nam Dương, Phi và CSVN về hải quân. Tuy nhiên với sự tân trang cấp bách của các hải quân CSVN, Mã Lai, Singapore, với sự hỗ trợ về mặt kỹ thuật của Ấn Độ, Nhật, Hoa Kỳ, cũng như sự hiện diện của các chiến hạm các cường quốc này, cán cân quân sự sẽ thay đổi nhanh chóng.

Các hành động tằm ăn dâu ngược đang diễn ra trên Biển Đông, do chính các quốc gia đang chống lại các âm mưu bá quyền của TQ chủ động tiến hành. TQ đang bị nắn gân trở lại. Người ta khó tiên đoán tình hình sẽ diễn biến như thế nào, một mặt TQ sợ mất mặt, nhưng một mặt biết chưa đủ lực để đấu với hải quân Nhật, Ấn Độ và đệ Thất Hạm Đội cùng một lúc. Lúc này là lúc TQ còn có thể lùi bước vì chưa đủ mạnh.

Lãnh đạo CSVN đang đu dây tử thần giữa Hoa Kỳ và TQ, cũng như du dây bên trong nội bộ đảng giữa khuynh hướng bảo vệ đất nước và khuynh hướng thần phục bậc thầy TQ bằng mọi giá. Chừng nào Việt Nam còn những thành phần lãnh đạo bị khống chế, tay sai của TQ, ngày đó cán cân quân sự và ý chí đối đầu luôn nghiêng hẳn về phía TQ.

Chỉ có một Việt Nam Tự Do Dân Chủ mới có đủ khả năng để cân bằng lại ưu thế quá lớn của TQ trên Biển Đông qua những nỗ lực: 1) tân trang hải quân và không quân để bảo vệ biển đảo; 2) sẵn sàng và quyết tâm đối phó với mọi âm mưu xâm lấn mới, thương thuyết và áp lực về kinh tế chính trị về những biển đảo thuộc chủ quyền đã bị xâm chiếm; 3) xây dựng thế liên minh với các quốc gia cùng chung quan tâm về Biển Đông và muốn đối đầu với âm mưu bá quyền của TQ.

Đây là điểm các lực lượng dân chủ Việt Nam cần nêu lên trong các vận động quốc tế.

Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print

BÀI MỚI

Ông Tô Lâm (trái) và ông Vương Đình Huệ. Ảnh: Thanh Niên

Về cuộc tranh giành quyền lực ở Ba Đình

Tin đồn mới nhất cho biết ông Huệ vẫn kiên cường chống trả, chưa chịu buông giáo đầu hàng dù tay chân thân tín đã bị ông Lâm tóm gọn. Có thể ông Huệ còn trông mong vào sự cứu viện của hoàng đế Tập Cận Bình bên Tàu. Nhưng trận đấu chỉ giằng co thêm một vài ngày nữa thôi, vì theo quy định của đảng CSVN, ông Huệ khó mà tránh được tội liên đới “trách nhiệm của người đứng đầu” khi các đàn em sa vào vòng lao lý, chưa kể ông Lâm còn nhiều độc chiêu sẽ tiếp tục tung ra để buộc ông Huệ phải cởi giáp quy hàng.

Lính hải quân Campuchia tại căn cứ hải quân Ream ở Preah Sihanouk trong một chuyến thăm do chính phủ tổ chức hôm 26/7/2019. Ảnh minh họa: AFP

Quân cảng Ream và Kênh đào Funan của Campuchia: nỗi lo lớn đối với Việt Nam

Hôm 18/4/2024, Chương trình Sáng kiến minh bạch hàng hải Châu Á (AMTI) của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) công bố thông tin về hai tàu hải quân Trung Quốc đã đậu ở căn cứ hải quân Ream của Campuchia trong hơn bốn tháng…

Từ đó, AMTI đặt câu hỏi liệu sự hiện diện thường trực của hải quân Trung Quốc tại quân cảng Ream đã được thiết lập trên thực tế hay mới chỉ là “lời đồn.”

Theo các chuyên gia, sự kết hợp giữa quân cảng Ream và kênh đào Phù Nam [Funan Techo] có thể tạo mối đe dọa an ninh truyền thống (quân sự) và an ninh phi truyền thống (môi trường, kinh tế, chính trị) đối với Việt Nam.

HRW đưa ra lời kêu gọi trước dịp diễn ra tiến trình Rà soát Định kỳ Phổ quát (UPR) chu kỳ IV đối với Việt Nam ngày 7/5/2024. Nguồn: HRW

HRW kêu gọi LHQ gây áp lực để Việt Nam cải thiện nhân quyền

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền hôm 22/4 hối thúc các quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc nên tận dụng đợt rà soát hồ sơ nhân quyền sắp tới của Việt Nam tại Hội đồng Nhân quyền LHQ để gây áp lực buộc Hà Nội chấm dứt đàn áp những người bất đồng chính kiến và các quyền cơ bản.