Làm sao rửa tội cho thủ tướng?

Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print
Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print

Dưới bảng hiệu những “quả đấm thép” cho sự nghiệp hiện đại hóa, công nghiệp hóa nền kinh tế mà “quốc doanh là chủ đạo”, bắt đầu từ năm 2006 thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ra quyết định thành lập các tập đoàn kinh tế và tổng công ty với nguồn vốn dựa vào ngân sách nhà nước và vay mượn nước ngoài. Kể từ đó đến nay đã có tất cả 91 tập đoàn và tổng công ty được thành lập, chiếm 70% nền kinh tế và tài chánh của cả nước, và bao trùm hầu hết mọi ngành nghề và lãnh vực công nghệ vẫn được xem là “béo bở”.

Còn cụ thể mục tiêu và trách nhiệm của 91 thực thể kinh tế đó là gì? Có lẽ các giải thích rườm rà, và nhiều khi mâu thuẫn, cho đến nay của nhà nước có thể tóm gọn trong 2 câu của blogger Trần Hoàng (1): “Tập đoàn làm ăn cuối năm có lời thì chia lại cho đảng và nhà nước, và họ lấy số tiền này làm gì, cụ thể ra sao, không một người dân nào được biết. Tập đoàn nào làm ăn thua lỗ, thì chính phủ cấp vốn thêm.”

Thế là cứ mỗi “quả đấm thép” ra đời, niềm hồ hởi trong hàng ngũ cán bộ kinh tế lại dâng lên vì ngành nào, cấp nào cũng có ăn – từ phong bì nhỏ cho từng nhà báo đến đưa tin tại các buổi cắt băng khánh thành đến những phong bì lớn đi thẳng vào trương mục của các quan chức lớn tại các ngân hàng nước ngoài. Thậm chí cả các “cán bộ tư tưởng” cũng tự hào lây vì sự thành công của “nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa” đã được chứng minh qua các tên tuổi lớn như Vinashin (Tập đoàn công nghiệp Tàu thủy Việt Nam), Vinalines (Tổng công ty Hàng Hải Việt Nam), PetroVietnam (Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam), EVN (Tập đoàn Điện lực Việt Nam), Vinacomin (Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam) v.v…

Đặc biệt Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng được báo đài ca tụng là người sáng lập các tập đoàn “tầm cỡ thế giới” này. Ông lập tức trở thành ngôi sao sáng trên bầu trời kinh tế Việt Nam. Nhiều vòng quan chức lớn nhỏ rời bỏ các ô dù khác để chen nhau đầu quân dưới trướng ông Dũng… và các con của ông Dũng. Làn sóng tung hô này cũng có lúc đi quá đà, như việc thuê trang mạng của một công ty xử lý rác tận bên nước Đức để đăng bài khen ngợi ông Dũng là vị thủ tướng giỏi nhất Á Châu. Tuy nhiên, với số đàn em như cát bãi biển đó, quyền lực của ông Nguyễn Tấn Dũng thực sự lấn át vai trò của cả Tổng bí thư Nông Đức Mạnh lẫn Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Có lẽ bằng chứng rõ ràng nhất là sự vững chắc của chiếc ghế thủ tướng mà ông Dũng nắm giữ đã 2 nhiệm kỳ, bất kể hàng loạt những tố cáo tham nhũng và bất tài, từ các đối thủ muốn hất ông xuống, ngay trước và trong đại hội đảng lần thứ 11. Các thư tố cáo, dù minh danh hay nặc danh, dù có chứng cớ hay không, đều rơi vào hư không hay bị đập dẹp như ruồi muỗi. Chiếc ghế thủ tướng của ông Nguyễn Tấn Dũng vẫn vững như bàn thạch.

Nhưng…

Từ năm 2010, vết nứt đầu tiên đã xuất hiện, lan dần thành sự sụp đổ toàn diện của quả đấm thép Vinashin. Và tập đoàn đóng tàu biển “đứng hàng thứ tư” trên thế giới này khởi động một chuỗi rơi rụng của các tập đoàn và tổng công ty khác như những chiếc lá mùa thu. Chỉ cần gom góp tin tức tiết lộ trên các báo lề phải, chứ chưa cần dùng đến dữ kiện trên báo chí ngoại quốc và làng dân báo, người ta đã đếm được 81 trong số 91 tập đoàn và tổng công ty đang bị thua lỗ nặng — Tập đoàn Dầu khí (PVN) bị chỉ ra “sai phạm tài chính” 18,000 tỷ đồng; Tập đoàn Sông Đà “sử dụng sai mục đích” 10, 676 tỷ đồng; Tập đoàn Điện lực năm 2011 lỗ 17,000 tỷ đồng…. Mười tập đoàn còn lại được giới quan sát tin là có ô dù quá lớn hoặc nợ nhà nước là chính (chứ nợ ngoại quốc không nhiều), nên các báo cáo thua lỗ chưa bị đưa ra ánh sáng công luận mà thôi. Một chiếc lá lớn rụng gần đây nhất là Tổng công ty Hàng Hải Việt Nam (Vinalines). Khi tin hàng tỉ mỹ kim bị đổ xuống biển xuất hiện trên mặt báo thì ông Cục trưởng Cục Hàng Hải Dương Chí Dũng, trước đó là Tổng giám đốc Vinalines, đã biến mất!

Sự xiêu vẹo hàng loạt và theo nhau xụp đổ của các tập đoàn Vina cũng đến từ lý do các thực thể kinh tế này rất giống nhau về cấu trúc và mục tiêu. Điều này đã được chính ông Phan Trung Lý, Chủ nhiệm UB Pháp luật quốc hội, thừa nhận trong buổi thảo luận về tình hình kinh tế xã hội hôm 24/5. Khi đề cập đến sự phát triển tràn lan vô tội vạ của các tổng công ty nhà nước, ông cho biết: “Ban đầu, chủ trương chỉ là thí điểm nhưng chưa tổng kết, đánh giá thì đồng loạt các tập đoàn kinh tế đã thành lập từ các tổng công ty 90, 91. Hệ quả của việc hoạt động tràn lan, không quản lý được là những sự việc sai phạm liên tục bị phát hiện, lặp đi lặp lại ở nhiều đơn vị như hiện nay” (2).

Có người dễ tính cho rằng đây là hệ quả của tình trạng kinh tế suy xụp trên toàn cầu, chứ không riêng gì Việt Nam. Nhưng cũng có ý kiến không đồng ý và cho rằng tình trạng kinh tế thế giới chỉ làm tiến trình phá sản nhanh lên hơn mà thôi. Vì nếu chịu khó đọc lại các tài liệu đã được công khai – và có lẽ phải đọc gấp vì loại bài này sẽ bị lấy xuống bất cứ lúc nào – người ta có thể thấy ngay từ ngày đầu thành lập, hầu hết các tập đoàn kinh tế và tổng công ty này không nhằm kinh doanh kiếm lời – và lại càng không kiếm lời cho đảng và nhà nước – mà chỉ nhắm vào 2 mục tiêu sau đây:

Mục tiêu lớn số 1: kiếm quà “lại quả”.

Chỉ cần nhìn vào 2 trường hợp lớn Vinashin và Vinalines người ta đã đủ thấy các bằng chứng. Cũng chẳng cần phải là nhà kinh tế mới thấy sự quái đản trong việc bỏ hàng tỷ đô la ra thu mua tàu phế thải của các nước cực nghèo đem về “sửa chữa để đi biển”. Trước hết, những con tàu mà cả các nước nghèo cũng không còn dùng nổi, phải bán đi, thì đủ biết xác tàu đã rệu rã tới mức nào. Thế mà ban giám đốc 2 tập đoàn này vẫn mua và mua với “giá thị trường” của loại tàu đang hoạt động, chưa tới tuổi phế thải. Kế đến, ai cũng biết nền công nghiệp đóng và sửa tàu biển của Việt Nam chỉ mới chập chững ở bước đầu tiên, nghĩa là còn đang xây dựng đội ngũ tay nghề, đang học hỏi kinh nghiệm, và đang học cả cách dùng những dụng cụ sửa chữa. Ban giám đốc cả 2 tập đoàn dư biết họ không có khả năng sửa chữa những chiếc tàu mà ngay cả các nước tân tiến trong ngành này cũng không đụng đến. Thí dụ như tàu Sông Gianh, sửa xong đi biển được một lần duy nhất rồi neo đậu suốt bốn năm trời trên sông Sài Gòn thuộc địa phận quận Nhà Bè; hay như việc mua ụ nổi do Nhật Bản chế tạo từ năm 1965. Ụ nổi này có tuổi thọ 25 năm, tức đến năm 1990 bị xem là dụng cụ phế thải. Nhưng 18 năm sau ngày hết hạn xử dụng đó, vào năm 2008, Vinalines mua khối sắt vụn này về với giá bằng 2/3 một ụ mới. Tổng cộng tiền mua, sửa, vận chuyển lên đến 24 triệu mỹ kim. Ụ nổi này liền bị bỏ xó, không ai đụng đến suốt từ đó đến nay đậu tại cảng Gò Dầu B, Đồng Nai. Và còn nhiều thí dụ khác nữa để cộng lại thành con số từ 4 đến 5 tỷ mỹ kim tại mỗi tập đoàn đã không cánh mà bay.

Không có câu giải thích thoả đáng nào cho hiện tượng toàn bộ các ban quản trị của các tập đoàn và tổng công ty lũ lượt kéo nhau đi mua đủ loại hàng phế thải nhưng trả gần bằng với giá của hàng tốt, ngoài lý do: để được hưởng các gói “lại quả” rất lớn mà phía bán hàng đồng ý đá ngược vào túi riêng của các quan chức đứng đầu.

Mục tiêu lớn số 2: vay tiền từ nước ngoài.

Các quyết định thu gom tất cả tập đoàn kinh tế và tổng công ty vào vòng kiểm soát trực tiếp từ văn phòng thủ tướng đồng nghĩ với sự bảo kê của nhà nước để các thực thể này đi vay các khoản tiền lớn – tới mức mỗi lần vài trăm triệu mỹ kim – từ các ngân hàng và định chế tài chính quốc tế. Các nguồn quốc tế xem đây là các tập đoàn của nhà nước (quốc doanh) hoặc chí ít là nhà nước có cổ phần và thẩm quyền kiểm soát lớn (hợp doanh), vì thế mức rủi ro chạy nợ rất nhỏ. Từ đó các nguồn này cho vay các món nợ lớn với lãi suất tương đối nhẹ và ít đính kèm các điều kiện khó khăn như đối với các công ty của tư nhân hoàn toàn.

Ban giám đốc các tập đoàn và tổng công ty biết rõ điều đó là lũ lượt kéo nhau đi mượn nợ trong cùng tinh thần như các đại biểu quốc hội Trần Bá Thiều, Trần Đình Long: “Người ta cho vay thì mình cứ vay, có nơi cho vay là tốt quá… Mai sau thế hệ con cháu tài giỏi hơn chúng ta sẽ trả”. Nghĩa là các món nợ này luôn được xem là “nợ của nhà nước”. Nhà nước có nhiệm vụ lấy tiền công quĩ mà trả. Các ban giám đốc đều xem đó là thông lệ áp dụng cho mọi công ty quốc doanh xưa nay. Và cũng từ tư duy đó, các tập đoàn này đẻ ra hàng trăm công ty con để mượn thêm tiền từ các ngân hàng nội địa của nhà nước.

Liền sau đó, các món nợ vừa vay mượn được 1) trở thành “khoản thu nhập” trong mắt các ban giám đốc để chia thành nhiều phong bì cho cấp trên, cấp giữa, cấp dưới … dài đến tận cấp “ký giả” như đã nêu bên trên; và 2) được dùng trả các khoản tiền lời từ các món nợ trước đã đến ngày đáo hạn để các chủ nợ không “đòi nợ” trước công luận. Nghĩa là cứ mượn thêm nợ mới để trả tiền lời của nợ cũ, và trả lương cho một số nhân viên ngồi chơi cho có vẻ công ty đang hoạt động, rồi chia nhau phần còn lại. Chuyện kinh doanh thực sự để kiếm lời đã trở thành viễn vông.

Tiến trình này kéo dài suốt 6 năm qua và tích lũy thành con số lỗ lã hiện nay. Các món nợ đáo hạn nhỏ nhoi cũng không còn có thể trả nổi vì không mượn thêm được nữa. Các chủ nợ quốc tế bắt đầu đòi tiền công khai, đòi đưa ra toà án ngoại quốc. Nhờ đó công luận mới biết được tầm vóc khủng khiếp của sự xụp đổ hàng loạt này. Xin nhắc lại, 91 thực thể kinh tế này chiếm 70% nền kinh tế và tài chánh của cả nước.

Tóm lại, các chứng cớ đang xuất hiện ngày một ào ạt cho thấy ngay từ ngày đầu thành lập các tập đoàn và tổng công ty được các quan chức điều hành với tinh thần: đây là 91 con bò để xẻo thịt ăn dần và trước sau gì rồi cũng chết!

Ai chịu trách nhiệm?

Hiển nhiên, mọi cặp mắt từ thượng tầng lãnh đạo đảng đến hàng ngũ quan chức ra đến quảng đại nhân dân đều hướng vào ông Nguyễn Tấn Dũng để chờ nghe câu trả lời. Biết được điều đó nên từ rất sớm, khi vài chiếc lá lớn đầu tiên có chỉ dấu sắp rơi rụng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng liền biện hộ trước quốc hội rằng:“Các tổng công ty phải làm nhiệm vụ chính trị và điều tiết kinh tế vĩ mô nên có khi phải chịu lỗ”. Nhưng ông không nói thêm các tổng công ty đó đã làm gì ích quốc lợi dân.

Đến khi số tiền lỗ lã tại mỗi tập đoàn lên đến mức hàng tỉ mỹ kim và tin tức về các vụ mua hàng phế thải bằng giá hàng mới ở mức hàng vài chục triệu mỹ kim mỗi vụ bắt đầu lan tràn, thủ tướng bắt đầu nhích xa ra thêm 1 bước: “Tôi nhận trách nhiệm chính trị với tư cách người đứng đầu chính phủ, chứ tôi cũng không ra quyết định nào sai”. Nhưng ông không nói gì thêm về cái quyết định gom tất cả các tập đoàn và tổng công ty vào vòng kiểm soát của văn phòng thủ tướng.

Dư luận lại phùng lên từ bên trong lẫn bên ngoài Đảng. Ông Nguyễn Tấn Dũng đành cho ông Nguyễn Sinh Hùng, lúc đó là phó thủ tướng và nay là chủ tịch quốc hội, đem lá bùa “Bộ Chính trị” ra bịt miệng tất cả trong phiên họp bế mạc quốc hội khoá XII hôm 21/3 năm ngoái rằng: “Thực hiện kết luận của Bộ Chính trị, thường trực và một số thành viên Chính phủ đã kiểm điểm trách nhiệm về công tác quản lý nhà nước và thực hiện quyền chủ sở hữu với Vinashin. Tuy nhiên, trách nhiệm của các cá nhân và tập thể chưa đến mức phải kỷ luật”.

Và khi một số chủ nợ lấy thái độ quyết liệt, đưa việc quịt nợ ra trước tòa án Anh Quốc, thì thủ tướng tuyệt tình hẳn. Văn phòng thủ tướng tuyên bố: nợ của các công ty “tư” thì họ phải tự lo!

Nhưng nỗ lực của thủ tướng không ngừng ở việc “đóng nút” dư luận và tránh xa các tập đoàn đang ra tòa, ông và các cố vấn cũng ráo riết chặt nhỏ các tổng công ty thua lỗ nặng còn lại và giấu bên dưới các công ty quốc doanh khác. Khi một công ty không còn danh tính nữa, thì đương nhiên các khoản lỗ lã và chuyện “cố ý làm sai trái” của các quan chức cũng biến mất.

Một thí dụ điển hình của cách tẩu tản nợ nần và trách nhiệm này là trường hợp của công ty cổ phần Jetstar Pacific Airlines (JPA). Hãng hàng không giá rẻ lỗ quanh năm suốt tháng này đột nhiên vào ngày 16/1/12 được Vietnam Airlines mua lại theo lệnh của thủ tướng.

Kiểu tẩu tán này cũng đã được áp dụng cho Vinashin trong những hy vọng câu giờ sau cùng, với nhiều lớp sơn phết màu sắc: “Thủ tướng chiều qua (19/11/2010) đã ký quyết định phê duyệt Đề án tái cơ cấu Vinashin, với mục tiêu sớm ổn định sản xuất kinh doanh, giảm lỗ, từng bước củng cố uy tín, thương hiệu và tiến tới có lãi, trả được nợ, tích lũy và phát triển.” (3). Việc “tái cơ cấu” này cũng được chính phủ của ông Nguyễn Tấn Dũng thận trọng tiến hành: “Vì thế, Chính phủ đã thảo luận thận trọng việc chuyển nguyên trạng một số đơn vị của Vinashin sang Vinalines, trên tinh thần cùng ngành nghề kinh doanh, với hai nguyên tắc: một là đảm bảo hài hòa lợi ích của các doanh nghiệp, không làm ảnh hưởng đến các đơn vị giữa chuyển đi và chuyển về; hai là các doanh nghiệp được chuyển sang đều được hạch toán và xử lý riêng, không lẫn vào nhau.” Những dữ kiện hiện nay cho thấy ông Nguyễn Tấn Dũng dư biết Vinalines cũng đang sắp chìm, nhưng áp suất phải tẩu tán gấp các thua lỗ của Vinashin trước đại hội đảng thứ 11 quá lớn.

Một nỗ lực khác trong đối sách của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng – tuy cũng là cách khá thông thường xưa nay – là lôi những con dê ra tế thần, từ việc đưa ra tòa toàn ban giám đốc Vinashin, ra lệnh truy nã cục trưởng Cục Hàng hải (nguyên là chủ tịch Vinalines), đến lôi cả đại gia kiêm đại biểu quốc hội Đặng Hoàng Yến ra khỏi Quốc hội, “cơ quan quyền lực cao nhất nước”,… vì các tội kinh tế. Nhưng tuyệt nhiên không ai được nhắc đến tên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Chỉ các quan sát viên nước ngoài như Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia về Việt Nam thuộc Đại Học New South Wales (Australia) và Học Viện Quốc Phòng Úc mới dám chia sẻ với BBC những nhận xét về Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: “Rõ ràng là phong cách lãnh đạo tùy hứng của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, vốn khiến cho quyền lực tập trung ngày càng nhiều vào tay thủ tướng, đã khiến Đảng và các cơ quan của Đảng bị giảm quyền lực để có thể giám sát và kiểm soát hiệu quả. Mạng lưới sâu rộng của Thủ tướng vừa là cầu thủ vừa là trọng tài trong nền kinh tế Việt Nam.” (4)

Hiển nhiên, không phải là ông Nguyễn Tấn Dũng không có kẻ thù. Một số đối thủ của ông đã tỏ ra mạnh dạn hơn trong vài tháng qua. Khi Hội nghị Trung ương 5 bế mạc vào ngày 15/5, một quyết định nặng ký được công bố: kể từ nay Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng trung ương sẽ trực thuộc Bộ Chính trị. Ông Dũng bị gạt khỏi Ban chỉ đạo mà chính ông lập ra khi bước vào nhiệm kỳ thủ tướng thứ hai. Hơn thế nữa, một Ban Nội chính trung ương được tái lập sau nhiều năm đóng băng. Dư luận trong và ngoài đảng, với sự khuyến khích của phe cánh ông Nguyễn Phú Trọng, Trương Tấn Sang, đang truyền tai nhau mục đích của Ban Nội Chính là để nhắm vào ông Nguyễn Tấn Dũng.

Nhưng liệu các đòn phép có hề hấn gì đối với gia đình ông Nguyễn Tấn Dũng không khi mạng lưới ủng hộ và bảo vệ quanh ông vẫn đầy kín và chặt chẽ. Ngay cả việc kiếm cớ pháp luật để tấn công ông cũng không phải dễ. Có thể nói trong mặt làm ăn, ông Dũng có nhiều điểm “khôn hơn người”, đó là ngay cả trong giai đoạn vàng son nhất, cô “công chúa” Nguyễn Thanh Phượng của thủ tướng vẫn chỉ nắm các nguồn tiền, đặc biệt là tiền từ các định chế tài chính nước ngoài — Cô hiện đứng đầu Ngân Hàng Bản Việt và đứng đầu cả bốn công ty con của tổ hợp tài chính có vốn điều lệ 200 triệu đô la — chứ không ngồi vào chiếc ghế nào của các con “dê tế thần dự khuyết” như những người lớn hơn cô hàng chục tuổi vẫn tranh nhau.

[Khi có tin cô gái 24 tuổi lên làm Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty Vinaconex – PVC, người ta càng khen cha con ông Nguyễn Tấn Dũng-Nguyễn Thanh Phượng khôn hơn bố con ông Tô Huy Rứa-Tô Linh Hương rất xa!]

Chính vì vậy mà câu hỏi “làm sao rửa tội cho thủ tướng?” là dư thừa. Không những không ngán sợ các cáo buộc trách nhiệm trước sự suy xụp của 91 tập đoàn và tổng công ty hiện nay, ông còn đẩy tiếp các dự án lớn hơn nữa, từ việc xây dựng 2 nhà máy điện hạt nhân với món nợ hơn 10 tỷ mỹ kim đến dự tính xây hệ thống đường tàu cao tốc bằng món nợ 56 tỷ mỹ kim, bất kể biểu quyết đã có của quốc hội. Nghĩa là mỗi dự án mới sẽ còn lớn bằng mấy tập đoàn hay tổng công ty cũ cộng lại. Và với số tiền khổng lồ đó để vung vãi, chắc chắn số quan chức bao quanh ông Dũng chỉ tăng chứ không giảm, và quyền lực của ông sẽ còn tăng nhanh hơn cả hiện nay.

Còn ai còn dám coi thường “cựu y tá” nữa không?

Chỉ khốn khổ cho những con người đang sống ở nơi mà “70% nền kinh tế và tài chính của cả nước” đang suy xụp … một cách vô trách nhiệm.

– – –

Ghi chú:

1. Sự thất thoát và lỗ lả của các tổng công ty và tập đoàn quốc doanh tiếp tục diễn ra (http://hoangtran204.wordpress.com/2…

2. Vinashin, Vinalines chứng tỏ tham nhũng nghiêm trọng hơn thời PMU18 2, (http://dantri.com.vn/c728/s728-5996… )

3. Duyệt đề án tái cơ cấu Vinashin, (http://vnexpress.net/gl/kinh-doanh/…)

4. http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vie…

Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print

BÀI MỚI

Thông báo (trái) của cơ quan an ninh điều tra Hà Nội bắt tạm giam bà Nguyễn Thúy Hạnh (phải) và áp giải bà từ nơi điều trị ung thư trở lại Trại tạm giam số 2. Ảnh: Sài Gòn Nhỏ

Tiếp tục giam bà Nguyễn Thúy Hạnh, Hà Nội muốn nói điều gì?

Hà Nội đã im lặng hành động, thay cho một tuyên bố sắc lạnh, rằng các tổ chức xã hội dân sự và các cá nhân liên kết với nhau sẽ không có giá trị gì với bộ máy đàn áp đang có quá nhiều lợi thế. Trước sự sững sờ của mọi người, ngày 22/3, công an đã tới viện pháp y tâm thần để đưa quyết định kéo dài thời gian tạm giam thêm đối với bà Nguyễn Thúy Hạnh, và áp giải bà từ nơi điều trị ung thư trở lại Trại tạm giam số 2.

Tổng Bí thư ĐCSVN Nguyễn Phú Trọng, tuổi cao, sức yếu, và bị coi là ngày càng mất dần quyền lực. Ảnh minh họa: Hoang Dinh Nam/ AFP via Getty Images

Vì sao chính trường CSVN rối ren?

Trong bối cảnh ông Trọng tuổi cao, sức yếu, và quyền lực suy giảm đáng kể, chiến dịch chống tham nhũng có thể bị suy giảm. Có ý kiến cho rằng “chiến dịch chống tham nhũng đang dần thoát khỏi tầm kiểm soát của ông Trọng và hiện giờ, chiến dịch chống tham nhũng được điều hành trực tiếp từ ông Tô Lâm, bộ trưởng Bộ Công An,” là điều đã được cảnh báo trước.

Ảnh minh họa: FB Nguyễn Tuấn

Bạn bè trên cõi mạng

Về nhà tôi nghĩ hoài về hiện tượng fb. Rất nhiều bạn tôi chưa bao giờ gặp ngoài đời, mà chỉ qua fb. Cũng chẳng sao. Tình bạn không phải chỉ là tiếp xúc hay tay bắt mặt mừng, mà có thể là tiếp xúc bằng trái tim và tâm hồn. Vậy là hạnh phúc rồi.