Cây gậy của Bọ Lập

Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print
Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print

Trong buổi tối ngày 6-12, khi ngồi ngẫm nghĩ về Bọ Lập, điều tôi thắc mắc là người ta có cho ông mang theo cây gậy của mình hay không. Đơn giản vì đôi chân của ông đã rất yếu, Ngay cả khi có cây gậy kề bên, cũng ít khi nào người nhà để ông đi một mình.

Bọ Lập, tức nhà văn Nguyễn Quang Lập, một trong những nhà văn hiếm hoi của “bên thắng cuộc” mà tôi giữ quan hệ với tình thương mến như đối với một nhân sĩ. Ngoài việc viết xuống, có lẽ chất giang hồ trong con người Bọ Lập còn khiến cho công việc quan sát cuộc sống của ông trở nên tự do, đa chiều hơn, chia sẻ hơn.

Tôi nhớ đến cây gậy của ông, với dáng đi khập khiễng và nụ cười đầy sảng khoái. Những ngày tháng cuối cùng mà người Việt còn vượt thoát được những hàng rào công an chằng chịt để xuống đường chống Trung Quốc đưa giàn khoan xâm lấn trên biển, Bọ Lập hăm hở đi từ nhà ở Thảo Điền đến trung tâm Sài Gòn rất sớm. Đoàn người sải bước quá, bỏ quên lão già ở sau. Thậm chí bạn bè cũng không ai đợi. Cuối buổi, Bọ Lập chống gậy khập khiễng đi về một mình, vừa cười ha hả, vừa mắng “mấy thằng không ra gì, ỷ chân khoẻ đi nhanh, bỏ tau ở lại một mình”.

Những người biết Bọ Lập, ai cũng nhớ rằng các rắc rối đến với ông rất sớm, từ đầu thập niên 2000, chẳng hạn như từ kịch bản phim “Không có Eva”. Hội đồng duyệt do bà Nguyễn Thị Hồng Ngát chủ trì đã phê không duyệt cho kịch bản này được dựng thành phim vì cho rằng tác giả đã mô tả một khung cảnh đời quá u tối và bi quan. Chuyện kể này nhằm để làm rõ lời bàn tán của rất nhiều người rằng Bọ Lập khôn ngoan, gần đây chọn một phương thức phản kháng để “hợp thời”.

Khi tôi viết những dòng này, Bọ Lập với căn bệnh tiểu đường có thể đang nằm đâu đó trong phòng tạm giam, lạnh lẽo và không thể tiện nghi như ở nhà của ông. Tôi từng chăm sóc mẹ mình nhiều ngày. Bà bị bệnh tiểu đường nặng và chân rất yếu. Ngay cả khi chống gậy vẫn phải có người trông. Ở trong phòng tạm giam đó, tôi ngẫm nghĩ, giống như mẹ tôi, rằng ai sẽ giúp cho Bọ Lập đi vệ sinh, ngay cả khi ông có cây gậy quen thuộc của mình.

Hồi giữa năm nay, Bọ Lập gọi tôi ra quán. Ông sợ tôi không đến vì biết rõ tính tôi không thích đám đông, nên gọi bắt nhà thơ Đỗ Trung Quân làm cam kết phải đưa tôi ra cho bằng được. Anh Quân gọi, mắng “thằng quỷ, mày làm gì mà để cho ông Lập ép cả tao”. Lý do của buổi gặp mặt đó, chỉ là cớ để ông nhắc cho tôi biết rằng có “nhiều người quan trọng” khó chịu mấy bài phóng sự về bạo loạn ở Bình Dương của tôi. Khi đưa bài của tôi lên blog Quê Choa, ông nhận được điện thoại giọng lạnh lùng, bảo phải tháo xuống ngay nếu không muốn gặp rắc rối. Dặn tôi cẩn thận rồi lại dúi cho mấy cuốn sách của ông đã ký tặng sẳn. Bọ Lập ra về – cũng dáng đi khập khiễng và cây gậy ấy.

Trang blog Quê Choa đem lại cho ông không ít phiền phức. Trước khi vào phòng tạm giam theo lệnh chính thức của công an, Bọ Lập cũng đã làm quen với một sự giam hãm không tuyên bố từ rất lâu trước đó. Các mục viết thường xuyên của ông trên báo nhà nước đột nhiên bị cắt bỏ, thôi không cho cộng tác nữa. Các nơi làm việc bỗng lơ là và mất dần một cách khó hiểu. Nhà văn Thuỳ Linh ở Hà Nội kể rằng các kịch bản có tên tác giả Nguyễn Quang Lập bị từ chối liên tục. Đến mức, chị phải khuyên rằng nếu chỉ để làm nghề, thôi thì Bọ Lập thử lấy tên khác xem. Quả nhiên, kịch bản mang tên vô danh tiểu tốt nào đó thì lại được duyệt ào ào.

Trước và sau khi Bọ Lập bị bắt, không khí văn nghệ Việt Nam nói chung, và Sài Gòn nói riêng, mỗi lúc một căng thẳng. Những người bị bắt dù không lạ nhưng vẫn làm cho buổi cơm chiều của giới trí thức bị thảng thốt, ngàn ngạt. Đã có lúc tin đồn trên mạng bảo rằng có một danh sách đang được countdown từng ngày. Mọi người kháo nhau và cười rất kiêu bạc rằng Solzhenitsyn mô tả Quần đảo Gulag và nơi này không khác nhau là mấy. “Nghe đồn cái phòng để sẳn đề tên tui, vừa thay bảng tên ông đó nghe”, Đỗ Trung Quân cứ hay trêu Huỳnh Ngọc Chênh theo kiểu đó.

Những lúc như vậy Bọ Lập lại cười ha hả và nâng ly bia. Trang blog của ông vẫn là một trong những nơi mà hàng chục ngàn người tìm đến mỗi ngày, sức hút không thua gì một tờ báo tiền tỉ của nhà nước, nhưng lại rất gần gũi vì chỉ đưa những gì con người muốn nói với nhau, chia sẻ với nhau. Được và mất thật mong manh, nên đâu có gì quan trọng nữa.

Một ngày sau khi Bọ Lập bị tạm giam, có bài báo đánh với theo ông già đi không vững. Người viết nặc danh ghi rằng Bọ Lập là một nhà văn không có phẩm hạnh khi dám chỉ trích tổng bí thư. Tôi thì chỉ nghĩ rằng rất nhiều các nhà văn trên toàn thế giới xã hội chủ nghĩa luôn ca ngợi các tổng bí thư, cũng không có mấy ai trong số họ giới thiệu được chút phẩm hạnh nào của mình. Bọ Lập chắc cũng không màng loại phẩm hạnh đó.

Bao giờ thì Bọ Lập quay về nhỉ? Khi biết tin Bọ Lập bị bắt, tôi lại nhớ Việt Khang, Trần Vũ Anh Bình… Lẽ nào con người hát và viết, nói điều mình nghĩ lại có thể là tội phạm? Hơn nữa, đó lại là những con người yêu nước. Buổi chiều dừng chân trú cơn mưa ở vỉa hè, chợt thấy nơi đó bày bán những cây gậy bằng tre. Tôi nhìn địa chỉ và ghi lại. Biết đâu Bọ Lập khi bước ra, ông vẫn cần một cây gậy mới để đi cùng, trong vòng vây thương mến của mọi người chào đón ông.

Nguồn: Blog Tuấn Khanh

Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print

BÀI MỚI

Ông Tô Lâm (trái) và ông Vương Đình Huệ. Ảnh: Thanh Niên

Về cuộc tranh giành quyền lực ở Ba Đình

Tin đồn mới nhất cho biết ông Huệ vẫn kiên cường chống trả, chưa chịu buông giáo đầu hàng dù tay chân thân tín đã bị ông Lâm tóm gọn. Có thể ông Huệ còn trông mong vào sự cứu viện của hoàng đế Tập Cận Bình bên Tàu. Nhưng trận đấu chỉ giằng co thêm một vài ngày nữa thôi, vì theo quy định của đảng CSVN, ông Huệ khó mà tránh được tội liên đới “trách nhiệm của người đứng đầu” khi các đàn em sa vào vòng lao lý, chưa kể ông Lâm còn nhiều độc chiêu sẽ tiếp tục tung ra để buộc ông Huệ phải cởi giáp quy hàng.

Lính hải quân Campuchia tại căn cứ hải quân Ream ở Preah Sihanouk trong một chuyến thăm do chính phủ tổ chức hôm 26/7/2019. Ảnh minh họa: AFP

Quân cảng Ream và Kênh đào Funan của Campuchia: nỗi lo lớn đối với Việt Nam

Hôm 18/4/2024, Chương trình Sáng kiến minh bạch hàng hải Châu Á (AMTI) của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) công bố thông tin về hai tàu hải quân Trung Quốc đã đậu ở căn cứ hải quân Ream của Campuchia trong hơn bốn tháng…

Từ đó, AMTI đặt câu hỏi liệu sự hiện diện thường trực của hải quân Trung Quốc tại quân cảng Ream đã được thiết lập trên thực tế hay mới chỉ là “lời đồn.”

Theo các chuyên gia, sự kết hợp giữa quân cảng Ream và kênh đào Phù Nam [Funan Techo] có thể tạo mối đe dọa an ninh truyền thống (quân sự) và an ninh phi truyền thống (môi trường, kinh tế, chính trị) đối với Việt Nam.

HRW đưa ra lời kêu gọi trước dịp diễn ra tiến trình Rà soát Định kỳ Phổ quát (UPR) chu kỳ IV đối với Việt Nam ngày 7/5/2024. Nguồn: HRW

HRW kêu gọi LHQ gây áp lực để Việt Nam cải thiện nhân quyền

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền hôm 22/4 hối thúc các quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc nên tận dụng đợt rà soát hồ sơ nhân quyền sắp tới của Việt Nam tại Hội đồng Nhân quyền LHQ để gây áp lực buộc Hà Nội chấm dứt đàn áp những người bất đồng chính kiến và các quyền cơ bản.