Bỏ môn sử hay hợp thức hóa việc xóa sử?

Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print
Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print

Radio Chân Trời Mới phỏng vấn ông Lý Thái Hùng

Radio Chân Trời Mới (Thanh Thảo): Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông, môn lịch sử sẽ sát nhập vào trong giáo dục công dân và giáo dục quốc phòng để trở thành môn học mới là “Công dân và Tổ Quốc”. Theo ông Phạm Vũ Luận, Bộ trưởng giáo dục và đào tạo thì lý do đưa môn lịch sử sát nhập vào môn công dân và tổ quốc là để tránh trùng lắp và còn dự kiến là ghép môn lịch sử vào các môn văn, địa lý.

Dự án của Bộ Giáo dục và Đào tạo CSVN đang bị dư luận trong và ngoài nước phản đối một cách dữ dội vì cho là CSVN đang nuốn loại bỏ môn lịch sử Việt Nam. Điều này sẽ mang đến một tai hại rất lớn là những thế hệ Việt Nam trong tương lai sẽ không còn ai biết đến lịch sử 4000 năm của ông cha hầu hun đúc lòng yêu nước. Việc đề nghị sát nhập môn lịch sử vào môn học“công dân và tổ quốc” đưa ra vào lúc Trung Quốc gia tăng sức mạnh bành trướng trên biển Đông khiến nhiều người nghi ngờ về chủ trương bãi bỏ môn sử của ông Phạm Vũ Luận là có bàn tay của Bắc Kinh khuynh loát ở phía sau. Việc bãi bỏ môn lịch sử, chắc chắn sẽ ảnh hưởng rất lớn lên ý chí bảo vệ độc lập của dân tộc, nên vì thế chúng tôi mời quý thính giả theo dõi phần nhận định của ông Lý Thái Hùng, Tổng bí thư đảng Việt Tân, về vấn đề này trong chương trình hôm nay.

Thanh Thảo: Theo như Bộ Giáo dục CSVN cho biết họ muốn sát nhập môn lịch sử vào bộ môn khác để tránh trùng lắp. Ông nghĩ sao về lý do này của ông Phạm Vũ Luận?

Lý Thái Hùng: Giáo sư Phạm Huy Lê, một nhà sử học của Việt Nam đã nói rằng có ba môn học được coi là nền tảng của một quốc gia, đó là Quốc ngữ, Quốc văn, và Quốc sử. Tôi cho đây là cái nhìn rất chính xác mà mọi quốc gia, đặc biệt là những quốc gia Á Châu như Nhật Bản, Nam Hàn, Đài Loan đều luôn coi trọng 3 môn học này trong mọi giai đoạn trưởng thành của một học sinh từ lớp tiểu học lên đến cấp đại học. Ngay cả một cường quốc có nền lịch sử tương đối ngắn như Hoa Kỳ cũng coi trọng môn sử trong học trình của 12 năm tiểu và trung học.

Lấy lý do môn sử bị trùng lắp để sát nhập môn học này vào trong môn giáo dục công dân và giáo dục quốc phòng, theo tôi đây là một chủ trương sai lầm.

Thứ nhất là cách nhìn sai lầm khi không còn coi môn sử là quan trọng nhằm hướng dẫn cho công dân Việt Nam từ lúc còn nhỏ đến lúc trưởng thành hiểu rõ lịch sử nước nhà một cách chính thống.

Thứ hai là khi ghép môn sử vào trong một bộ môn như giáo dục công dân và giáo dục quốc phòng thì nội dung của môn sử trong trường hợp này sẽ bị bóp méo hay phiến diện vì những nội dung soạn thảo không còn khách quan mà đi theo chủ trương của chính quyền.

Thứ ba là CSVN đang dựa vào Trung Quốc, không muốn khơi dậy truyền thống yêu nước của dân tộc qua 1000 năm Bắc Thuộc nên vì thế mà Bộ Giáo dục và Đào tạo – theo chỉ thị của bộ chính trị – chỉ dạy những nội dung lợi cho đảng Cộng sản trong mối quan hệ “răng môi” với Trung Quốc mà thôi.

Do đó việc sát nhập môn sử vào bộ môn khác, chỉ là bước đầu xóa đi Quốc sử, chẳng khác nào hành động của những thái thú Trung Quốc khi xâm chiếm nước An Nam trong thời kỳ Bắc Thuộc. Đó là cắt đứt mối quan hệ giữa đại khối dân tộc với quá khứ dựng nước, giữ nước anh hùng của Tổ Tiên.

Thanh Thảo: Theo ông thì môn lịch sử có vị trí như thế nào trong việc giáo dục tầng lớp học sinh ở bậc phổ thông?

Lý Thái Hùng: Lịch sử là môn học liên quan đến quá khứ, đặc biệt là những sự kiện liên quan đến con người. Nói cách khác, lịch sử là môn học có liên quan đến các sự kiện xảy ra trong quá khứ của một dân tộc, được các sử gia hay những nhà viết sử ghi lại trong quá trình hình thành, phát triển và thăng tiến qua các thời kỳ.

Môn lịch sử có chức năng truyền đạt tri thức quá khứ một cách khoa học nên nó được sắp trong các môn khoa học xã hội. Lý do là lịch sử không chỉ nhắc đến quá khứ để biết quá khứ mà còn là để hiểu thêm hiện tại và dự phóng cho tương lai, và đặc biệt rút ra những bài học giá trị từ lịch sử.

Các nhà sử học đôi khi tranh luận về bản chất của lịch sử và tính hữu dụng của nó bằng cách thảo luận, nghiên cứu về chính những sự kiện xảy ra như một cách để cung cấp “tầm nhìn” về những vấn đề của hiện tại và con đường đi đến tương lai như thế nào.

Với vai trò của môn lịch sử như vậy, ngày nay vấn đề giảng dạy lịch sử tại các trường học, đặc biệt là học sinh ở bậc phổ thông, có ba nội dung quan trọng.

Thứ nhất là giúp cho học sinh hiểu rõ nguồn gốc và sự tiến hóa của dân tộc mình như thế nào từ thời lập quốc, để mỗi người hãnh diện mình là con cháu của các bậc tiền nhân anh hùng, kiên cường đấu tranh trên con đường dựng nước và giữ nước. Có hiểu rõ nguồn gốc, mọi công dân – dù sống và làm việc ở bất cứ đâu – đều luôn luôn hướng về nguồn cội của mình.

Thứ hai là giúp hun đúc tinh thần yêu nước, tinh thần đấu tranh bất khuất của tiền nhân trong mọi công dân, để luôn luôn sẵn sàng hy sinh dấn thân cho đại nghĩa một khi đất nước bị ngoại xâm, đặc biệt là đối với Trung Quốc. Tinh thần yêu nước và lòng can đảm hy sinh cho đại nghĩa chỉ có trong những công dân thấm nhuần lịch sử nước nhà một cách xuyên suốt.

Thứ ba là giúp cho mọi công dân gia tăng nhận thức về những gì đang và sẽ xảy ra, khi hiểu rõ bối cảnh lịch sử nước nhà. Những bài học và những kinh nghiệm của ông cha để lại xuyên qua các sự kiện lịch sử sẽ giúp cho người đời nay tránh những vết xe đổ và nhất là tự tin hơn vào sự chọn lựa định đoạt lấy tương lai của đất nước.

Ngoài ba nội dung nói trên, môn lịch sử còn giúp cho mỗi công dân tự đứng trên đôi chân của mình để hành xử như một người hữu ích cho quốc gia, sau khi thấm nhuần những tấm gương oanh liệt của các bậc tiền nhân.

Thanh Thảo: Có người cho rằng hiện nay, CSVN tuy có môn sử nhưng không ai muốn học vì thế mà Bộ giáo dục mới sát nhập môn này lại để tạo thành môn mới là công dân và tổ quốc. Ông nghĩ sao về điều này?

Lý Thái Hùng: Đúng là lối giảng dạy lịch sử hiện nay ở Việt Nam không phù hợp. Học sinh không coi trọng môn sử và chán ngán môn này, vì hai lý do.

Thứ nhất, nội dung biên soạn mang tính chất nhồi sọ hơn là trình bày khách quan của lịch sử dân tộc. Đa số tập trung vào lịch sử chiến đấu và những thắng lợi của đảng Cộng sản Việt Nam. Nói cách khác là học sinh bị nhồi sọ về sự “anh hùng” của đảng Cộng sản Việt Nam qua các cuộc chiến nhưng trong thực tế của đời sống, người ta đang nhạo báng sự lãnh đạo của đảng Cộng sản Việt Nam. Sự phản ảnh trái chiều về đảng Cộng sản Việt Nam ở học đường và xã hội như vậy khiến học sinh trong thực tế là chán học về lịch sử đảng, chứ chưa hẳn là chán môn lịch sử.

Thứ hai, lối dạy lịch sử chủ yếu vẫn là lối từ chương mang tính áp đặt một chiều. Sách viết gì, học sinh học như con vẹt và trả lời như sách viết. Thầy giáo không khuyến khích học sinh tìm tòi, nghiên cứu thêm ở các sách vở bên ngoài vì sợ bị ảnh hưởng của sự thật, cái mà chế độ coi là “phản động” có âm mưu chống lại CSVN.

Khi môn lịch sử được giảng dạy trong tinh thần nói trên, dù Bộ Giáo dục và Đào tạo cho sát nhập hay tạo ra một bộ môn nào khác, vấn đề vẫn không thay đổi. Đó là học sinh Việt Nam càng ngày càng không nắm vững lịch sử khách quan của dân tộc mà tiếp tục chỉ bị nhồi nhét một chiều lịch sử của đảng Cộng sản Việt Nam hay những sự kiện lịch sử cận đại viết theo lăng kính cộng sản.

Thanh Thảo: Dư luận đưa ra nhiều nghi vấn liên quan đến việc bỏ môn sử, tuy nhiên với tầm nhìn của ông thì vụ bãi bỏ này có chủ đích gì?

Lý Thái Hùng: Vì chế độ CSVN không coi môn sử là môn học về quá khứ khách quan của dân tộc nên chương trình nặng về lịch sử chiến tranh, về đảng Cộng sản Việt Nam. Nếu chúng ta nhìn vào bản chất của môn sử thì từ 40 năm qua, Bộ Giáo dục CSVN đã bỏ môn sử và thay bằng môn học lịch sử chiến đấu của đảng cộng sản Việt Nam là chính.

Cách dạy lịch sử một chiều này đã dần dần đi vào bế tắc khi mà qua mạng Internet, học sinh và phụ huynh đã thấy rõ những điều giảng dạy về lịch sử và những “chiến tích” oai hùng của đảng CSVN là giả dối.

Khi học sinh và phụ huynh thấy sự giả dối như vậy, chắc chắn là Bộ giáo dục phải biến chiêu. Thay vì gọi là môn sử, họ ghép nó vào môn giáo dục công dân và giáo dục quốc phòng, nhưng trong thực tế nội dung cũng sẽ không có gì thay đổi. Các môn học này phải được gọi đúng tên là “môn nhồi sọ XHCN”.

Nói tóm lại việc sát nhập môn sử vào trong môn công dân và tổ quốc chỉ là để né tránh sự chỉ trích về tình trạng giảng dạy môn sử hiện nay, để duy trì nội dung nhồi nhét lịch sử đảng CSVN và buộc mọi công dân Việt Nam phải phục vụ cái gọi là “tổ quốc xã hội chủ nghĩa” mà đảng CSVN đang cố gắng mơ tưởng.

Thanh Thảo: Xin cảm ơn ông Lý Thái Hùng.

Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print

BÀI MỚI

Ông Tô Lâm (trái) và ông Vương Đình Huệ. Ảnh: Thanh Niên

Về cuộc tranh giành quyền lực ở Ba Đình

Tin đồn mới nhất cho biết ông Huệ vẫn kiên cường chống trả, chưa chịu buông giáo đầu hàng dù tay chân thân tín đã bị ông Lâm tóm gọn. Có thể ông Huệ còn trông mong vào sự cứu viện của hoàng đế Tập Cận Bình bên Tàu. Nhưng trận đấu chỉ giằng co thêm một vài ngày nữa thôi, vì theo quy định của đảng CSVN, ông Huệ khó mà tránh được tội liên đới “trách nhiệm của người đứng đầu” khi các đàn em sa vào vòng lao lý, chưa kể ông Lâm còn nhiều độc chiêu sẽ tiếp tục tung ra để buộc ông Huệ phải cởi giáp quy hàng.

Lính hải quân Campuchia tại căn cứ hải quân Ream ở Preah Sihanouk trong một chuyến thăm do chính phủ tổ chức hôm 26/7/2019. Ảnh minh họa: AFP

Quân cảng Ream và Kênh đào Funan của Campuchia: nỗi lo lớn đối với Việt Nam

Hôm 18/4/2024, Chương trình Sáng kiến minh bạch hàng hải Châu Á (AMTI) của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) công bố thông tin về hai tàu hải quân Trung Quốc đã đậu ở căn cứ hải quân Ream của Campuchia trong hơn bốn tháng…

Từ đó, AMTI đặt câu hỏi liệu sự hiện diện thường trực của hải quân Trung Quốc tại quân cảng Ream đã được thiết lập trên thực tế hay mới chỉ là “lời đồn.”

Theo các chuyên gia, sự kết hợp giữa quân cảng Ream và kênh đào Phù Nam [Funan Techo] có thể tạo mối đe dọa an ninh truyền thống (quân sự) và an ninh phi truyền thống (môi trường, kinh tế, chính trị) đối với Việt Nam.

HRW đưa ra lời kêu gọi trước dịp diễn ra tiến trình Rà soát Định kỳ Phổ quát (UPR) chu kỳ IV đối với Việt Nam ngày 7/5/2024. Nguồn: HRW

HRW kêu gọi LHQ gây áp lực để Việt Nam cải thiện nhân quyền

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền hôm 22/4 hối thúc các quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc nên tận dụng đợt rà soát hồ sơ nhân quyền sắp tới của Việt Nam tại Hội đồng Nhân quyền LHQ để gây áp lực buộc Hà Nội chấm dứt đàn áp những người bất đồng chính kiến và các quyền cơ bản.